Thứ 6, 22/11/2024, 22:09[GMT+7]

Sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai

Thứ 3, 21/06/2022 | 08:09:00
19,449 lượt xem
Thái Bình được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài 584,6km đê, trong đó có 356,3km đê trung ương, còn lại 228,3km đê bối, đê bao, đê vùng. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, từ năm 2015 đến nay, gần 175,8km đê trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp, tu bổ, sửa chữa; xây mới 20 cống dưới đê; tu bổ kè hộ bờ được 15 tuyến với tổng chiều dài gần 27,4km...

Thi công cống Đồng Bàn, xã Trọng Quan (Đông Hưng).

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm các địa phương, đơn vị đã khẩn trương kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT), phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên; chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Hoàn thành công tác đánh giá hiện trạng công trình đê, kè, cống trước mùa mưa bão; đánh giá vật tư dự trữ PCTT trên địa bàn, phân loại các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống để có giải pháp duy tu, sửa chữa.

Kiểm tra thực tế tại dự án xử lý cấp bách đê tả Trà Lý, đoạn từ Km2+900 đến Km6+600 xã Hồng Minh, xã Chí Hòa (Hưng Hà); kiểm tra kho vật tư dự trữ huyện Đông Hưng; công tác tuần tra, canh gác tại các điếm số 22, 23 xã Đông Dương (Đông Hưng); kiểm tra tiến độ thi công cống Đồng Bàn, xã Trọng Quan (Đông Hưng) mới đây đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống các công trình PCTT đối với việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. 

Ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của tỉnh Thái Bình trong công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thời gian qua, đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình cần chủ động nhận diện rõ các hình thái thiên tai để có phương án ứng phó hiệu quả; xác định rõ được mục tiêu trung hạn và dài hạn trong ứng phó với thiên tai; tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng tránh thiên tai, bão lũ, trong đó chú trọng bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân; xây dựng các giải pháp giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất do thiên tai gây ra, nhất là trong nông nghiệp; quán triệt và triển khai nghiêm túc các giải pháp mà Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã đề ra nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, bão lũ trong thời gian tới.

Tại buổi kiểm tra cùng đoàn công tác, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh khẳng định: Tỉnh Thái Bình luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của trung ương và triển khai hiệu quả công tác PCTT và TKCN. Để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão năm 2022, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động đầy đủ nhân lực, vật lực, xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, gắn với kiến thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai. Ngoài việc hoàn thành tu bổ, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều, bảo đảm an toàn các cống dưới đê trong bão, lũ, chủ động chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát tình hình vi phạm, đặc biệt là vi phạm xây dựng công trình trái phép ngoài bãi sông, trong hành lang bảo vệ đê điều gây cản trở thoát lũ để sớm xử lý dứt điểm.

Theo dự báo, thời gian tới, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác PCTT và TKCN của Thái Bình đã và đang được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ phương án, phương tiện, thiết bị, lực lượng. Để công tác PCTT thực sự hiệu quả, giảm bớt thiệt hại về người và tài sản các địa phương và người dân trong tỉnh cần chủ động nắm bắt thông tin thời tiết, chuẩn bị sẵn các phương án phòng, tránh, trong đó lấy phòng là chính, chủ động bảo đảm an toàn trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.



Đồng chí Nguyễn Viết Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra
(Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Thái Bình là một trong những tỉnh điển hình về xử lý vi phạm liên quan đến đê điều. Qua ghi nhận, số vi phạm mới phát sinh tương đối ít, số vi phạm cũ đang được chính quyền địa phương tập trung vào cuộc xử lý. Có được kết quả này là do ý thức của người dân trong chăm lo, bảo vệ đê điều được nâng cao; tính chủ động, phân công, phân nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ ứng trực PCTT và TKCN được thực hiện tốt.

Đồng chí Đào Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Đông Hưng

Hạt Quản lý đê đã tham mưu UBND huyện phê duyệt các trọng điểm xung yếu, chuẩn bị vật tư cần thiết cho công tác PCTT năm 2022 chuyển về các địa phương. Hiện tại kho vật tư dự trữ huyện Đông Hưng đã chuẩn bị sẵn sàng 200 rọ thép, hơn 100m3 đá dăm, gần 1.400m2 vải lọc, 10 bộ nhà bạt và trên 44.000 bao tải nhằm nỗ lực thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.


Nguyễn Thơi