Thứ 7, 23/11/2024, 16:21[GMT+7]

Công trường xây dựng kính thiên văn lớn nhất thế giới

Chủ nhật, 26/06/2022 | 21:03:56
762 lượt xem
Dự án Kính viễn vọng Cực Lớn (ELT) ở miền bắc Chile đã bước sang năm thứ 5 xây dựng và dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2027.

công trường xây dựng Kĩnh viễn vọng Cực Lớn ở Chile

Nằm ở độ cao hơn 3.000 m trên đỉnh núi Cerro Armazones của Chile, ELT là dự án kính thiên văn quang học lớn và mạnh nhất thế giới, được kỳ vọng có thể làm tăng khả năng quan sát hiện có lên hơn 5.000 lần và mở ra "chân trời mới" giúp các nhà khoa học giải đáp những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ về nguồn gốc của vũ trụ.

Các công cụ quan sát mạnh mẽ nhất hiện tại, chẳng hạn như Kính viễn vọng Rất lớn (VLT) và hệ thống kính thiên văn vô tuyến ALMA - cả hai đều được lắp đặt ở miền bắc Chile - đã giúp trả lời nhiều câu hỏi mà các nhà khoa học đặt ra cách đây ba thập kỷ. Tuy nhiên, những giới hạn của kiến thức đã mở rộng, đòi hỏi chúng ta phải chế tạo những công cụ tiên tiến hơn.

"Thiên văn học luôn hoạt động ở các giới hạn: công nghệ, phát hiện và của mọi thứ mà các công cụ tuyệt vời này có thể mang lại", nhà thiên văn học Luis Chavarría đại diện cho Đài quan sát Nam Âu (ESO), tổ chức chịu trách nhiệm lắp đặt và vận hành ELT, nói với AFP.

Việc xây dựng ELT bắt đầu vào năm 2017 và dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2027, sau đúng một thập kỷ. Hiện tại, dự án đã đi được một nửa chặng đường với khoản tạm ứng 40% và đang trong giai đoạn xây dựng bức tường chu vi để lắp đặt mái vòm hỗ trợ gương chính.

Các công việc được thực hiện trong điều kiện đặc biệt khắc nghiệt của sa mạc Chile, nơi khô hạn nhất hành tinh, với nhiệt độ rất cao vào ban ngày và rất thấp vào ban đêm, cũng như sức gió lên tới 70 km/h trong chuyến thăm của AFP.

Khi hoàn thành, ELT có một gương chính rộng 39,3 m, bao gồm 798 mảnh gương lục giác cấu thành, được đặt trong một mái vòm khổng lồ có đường kính 85 m. Nó sẽ có khả năng thu thập lượng ánh sáng nhiều gấp 15 lần so với kính thiên văn quang học mạnh nhất đang hoạt động và cung cấp hình ảnh sắc nét hơn 15 lần so với kính viễn vọng không gian Hubble, theo ESO.

Vị trí của ELT ở phía bắc Chile - nơi có bầu trời sạch nhất hành tinh - sẽ cho phép quan sát 90% các đêm trong năm ở Bán cầu nam và giúp các nhà khoa học nhìn thấy trung tâm của dải Ngân Hà.

Một trong những mục tiêu chính của ELT là thu được hình ảnh của các ngoại hành tinh đá để mô tả đặc điểm khí quyển của chúng và đo trực tiếp gia tốc giãn nở của vũ trụ.

"ELT là sự nâng cấp của VLT. Rõ ràng nó có một quy mô hoàn toàn khác với mọi thứ đã được thực hiện trước đây, do đó, công trình đòi hỏi các yêu cầu công nghệ rất khác", Guido Veccia, phụ trách dự dán ELT, nhấn mạnh.

Kính viễn vọng Cực Lớn của ESO có kinh phí xây dựng ước tính khoảng 1.380 triệu USD và được tài trợ toàn bộ.