Thứ 6, 17/05/2024, 08:08[GMT+7]

Triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1

Thứ 6, 01/07/2022 | 18:16:38
10,261 lượt xem
Chiều ngày 1/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 1. Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh.

Đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 1/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 310km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ninh khoảng 640km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh: Bão số 1 là cơn bão có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp và có khả năng ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; sóng lớn kết hợp triều cường ảnh hưởng đến hệ thống đê biển, lượng mưa lớn có thể gây ngập úng ở các vùng trũng, thấp... Do đó, đồng chí yêu cầu các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; khẩn trương rà soát, kiểm đếm các tàu đang trong khu vực nguy hiểm; bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; thông tin, tuyên truyền và có biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo; rà soát phương án bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục khi có sự cố xảy ra...

Tại Thái Bình, theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 15 giờ ngày 1/7, trên địa bàn tỉnh có tổng số 1.120 phương tiện với 3.309 lao động đang làm ăn trên biển, trong đó có 27 phương tiện với 169 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh, 189 phương tiện với 572 lao động hoạt động ven biển Thái Bình, 904 phương tiện với 2.568 lao động đã vào neo đậu tại các bến. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.800 lao động canh coi trên các bãi ngao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà; 643 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Quỳnh Phụ nhiều nhất với 257 lồng, huyện Hưng Hà có 199 lồng… Đến nay, diện tích lúa xuân toàn tỉnh cơ bản thu hoạch xong, diện tích làm đất gieo cấy lúa mùa đạt 54.300ha, đạt 71% so với kế hoạch; diện tích cây màu hè đã trồng 10.980ha; diện tích cây màu hè đã thu hoạch là trên 7.300ha, chiếm 67% diện tích cây màu hè đã trồng.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 1, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh tại Công điện số 04 hồi 7 giờ ngày 29/6 và Công điện số 05 hồi 9 giờ ngày 30/6; khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền, sẵn sàng di dời lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy, hải sản, ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn, người dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn; chủ động tiêu nước đệm trong hệ thống, đề phòng mưa lớn gây ngập úng; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý khi có yêu cầu.

Nguyễn Thơi