Thứ 4, 15/01/2025, 17:27[GMT+7]

Nỗi lòng mẹ Tuyển

Thứ 2, 18/07/2022 | 07:37:22
16,484 lượt xem
Ở tuổi 87 nhưng mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tuyển, thôn Cốc, xã Phú Châu (Đông Hưng) vẫn khỏe mạnh, tinh tường. Hiến dâng chồng và con trai cho Tổ quốc trong các cuộc chiến chinh, mẹ giữ lại tuổi thanh xuân cho riêng mình, thay chồng tần tảo khuya sớm nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Thời gian trôi đi dần xoa dịu nỗi mất mát đau thương nhưng trong lòng mẹ vẫn còn nỗi niềm chưa nguôi bởi 50 năm qua, mẹ vẫn ngóng đợi tin chồng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Tuyển bên phần mộ con trai là liệt sĩ Trần Ngọc Hướng.

Một buổi chiều tháng 7 cũng như bao buổi chiều tháng 7 của 11 năm qua, mẹ Phạm Thị Tuyển nhờ đứa con trai thứ hai chở xe máy lên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đông Hưng thắp hương mộ liệt sĩ Trần Ngọc Hướng - con trai cả của mẹ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978. Tuổi đã cao, sức lực đang dần cạn nhưng mẹ luôn dặn lòng phải khỏe để một năm 3 lần giỗ, tết và ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 ra thăm con trai. Tự tay mẹ nhổ từng cây cỏ, lau từng mặt đá, chăm chút cho đứa con “mãi mãi tuổi hai mươi” đang yên giấc ngàn thu trong lòng đất mẹ. Và hơn nữa, mẹ còn ráng sức để chờ người chồng 50 năm tròn vẫn còn nằm lại nơi rẻo cao núi đá, nơi thung sâu, ngầm suối một thời từng là chiến trường ác liệt.

Bóng mẹ Tuyển lạc giữa những hàng mộ trắng nơi Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đông Hưng. 11 năm kể từ ngày đưa hài cốt liệt sĩ Trần Ngọc Hướng từ Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Châu Thành (Tây Ninh) về yên nghỉ nơi đây, nỗi niềm của mẹ như khuây khỏa một nửa. Trong ký ức còn giữ lại, mẹ nhớ rõ ngày tiễn chồng, con lên đường. Đó là một ngày đầu Giêng năm Mậu Thân 1968, khi mùi tết vẫn còn vương vấn, cái rét căm căm cắt vào da thịt. “Tôi không biết đi xe nên nhờ một người em trong họ chở anh (liệt sĩ Trần Ngọc Tẩm - chồng mẹ Tuyển) bằng xe đạp sang điểm tập kết tại làng Khuốc (Phong Châu). Trước khi đi, anh còn dặn dò tôi rằng anh là đảng viên, khi Tổ quốc cần anh phải lên đường. Em ở nhà thay anh chăm sóc bố mẹ và các con... Lần đó anh đi đến bây giờ vẫn chưa về...” - mẹ Tuyển giãi bày lời gan ruột với chúng tôi.

Hy sinh đến nay tròn 50 năm nhưng những thông tin về đơn vị, nơi liệt sĩ Tẩm chiến đấu, hy sinh ít ỏi như những lá thư ông gửi cho vợ từ chiến trường. Được biết, trước khi vào Nam chiến đấu, ông Tẩm từng là du kích địa phương rồi là cán bộ công tác tại đơn vị lương thực - thực phẩm của tỉnh. Sau tết Mậu Thân năm 1968, ông Tẩm khi đó 32 tuổi thuộc diện công nhân, viên chức điều động vào quân đội. Ngày ông Tẩm lên đường nhập ngũ, mẹ Tuyển đang mang trong mình giọt máu thứ 5 của ông được hơn 3 tháng. “Thời gian đầu thì anh Tẩm gửi thư về đều đặn nhưng càng vào sâu chiến trường, đối mặt với những trận đánh ác liệt thì những lá thư tay cũng thưa dần...” - mẹ Tuyển nhớ lại.

Ở quê nhà, mẹ Tuyển vun vén công việc gia đình nội ngoại, chăm sóc đàn con vẫn còn bé dại. Biền biệt gần 4 năm, vào một ngày cuối năm 1972, mẹ Tuyển nhận được giấy báo tử của chồng. Đau đớn hơn khi gia đình mẹ nhận được giấy báo tử nhưng không biết chồng, cha mình hy sinh ở mặt trận nào. Nhìn các con còn nhỏ dại, đứa con gái thứ 5 còn chưa một lần gọi tiếng cha, lòng mẹ thêm quặn thắt. Nhờ sự động viên của gia đình, tổ chức, mẹ Tuyển nén nỗi đau, biến đau thương thành sức mạnh để tiếp tục lao động sản xuất, thay chồng nuôi dạy các con. “Thằng Hướng (liệt sĩ Trần Ngọc Hướng) là con cả, lớn nhất nên nó hiểu chuyện. Nó an ủi mẹ, cùng mẹ tảo tần nuôi các em. Nó nói sau này sẽ nhập ngũ vào chiến trường để rửa thù cho cha...” - mẹ Tuyển chia sẻ.

Vết thương do chiến tranh của đất nước chưa lành thì cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam nổ ra. Năm 1978, tiếp bước truyền thống gia đình, noi gương cha, anh Trần Ngọc Hướng gác bút nghiên lên đường nhập ngũ. Năm ấy, anh Hướng tròn 18 tuổi, đang là học sinh Trường cấp 3 Tiên Hưng. Anh Hướng nhập ngũ được một thời gian thì mẹ Tuyển hay tin con mình hy sinh trên nước bạn Lào và được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Châu Thành. Một lần nữa, nỗi đau mất con giằng xé lòng mẹ nhưng mẹ biết rằng đi kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đều khó tránh khỏi hiểm nguy và cái chết. Với tinh thần kiên cường một lần nữa mẹ Tuyển lại nén đau thương, chắt thương đau thành “nhựa sống” để lao động sản xuất.

Chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, cũng như bao người mẹ, người vợ hai lần tiễn người thân ra trận, mẹ Tuyển vui với niềm vui chung của đất nước nhưng lại đau nỗi đau riêng khi chồng con vĩnh viễn không có ngày về. Trên dọc dài đất nước Việt Nam, có bao người ra đi không trở lại là có bấy nhiêu người vợ, người mẹ không thể gặp lại chồng, con mình.

Mẹ Tuyển chia sẻ: Nhiều đêm tôi nằm khóc một mình, thương chồng, nhớ con. Cứ hình dung ông ấy đi làm về tay bồng tay bế các con đi thăm khắp làng trên xóm dưới. Vậy mà đã 50 năm rồi, không biết ông ấy nằm lại nơi đâu. Còn sống ngày nào, tôi đều nguyện cầu một ngày nào đó tìm thấy hài cốt của ông ấy để hai cha con được sum họp bên nhau. Tôi cũng may mắn hơn nhiều người mẹ, người vợ khác khi hiến dâng chồng con cho Tổ quốc nhưng vẫn còn những đứa con bên cạnh mình.

Nói về hành trình đi tìm cha, anh Trần Ngọc Ứng cho biết: Tâm nguyện của mẹ tôi vẫn mong mỏi được tìm thấy hài cốt của cha để đưa cha về yên nghỉ cùng anh trai. 50 năm qua, mẹ con tôi đã tìm mọi cách từ kết nối thông tin đồng đội, đăng thông tin trên báo chí đến việc nhờ các đơn vị quân đội hỗ trợ nhưng thông tin về nơi hy sinh, an táng cha vẫn như “bóng giăng đáy nước”.

Cầm trên tay giấy báo tử của chồng, mẹ Tuyển rưng rưng: Trong giấy báo tử gửi về gia đình vào tháng 9/1974 chỉ ghi ông ấy là Chính trị viên Đại đội, đơn vị thuộc mặt trận KN, hy sinh ngày 14/4/1972. Nơi mai táng thuộc khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận. Từ những thông tin ít ỏi này, gia đình chúng tôi đã vào Quân khu 5 và đến từng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 nhưng cũng chưa xác định được phần mộ.  

Dù khó thế nào nhưng hành trình tìm mộ cha của các con liệt sĩ Trần Ngọc Tẩm vẫn chưa bao giờ tắt với hy vọng một ngày nào đó, họ sẽ tìm được mộ cha cho nguôi ngoai nỗi niềm của mẹ vò võ chờ chồng nửa thế kỷ qua. Cùng với nguồn động viên từ gia đình, nhiều năm nay mẹ còn được sự quan tâm, chăm sóc từ cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài huyện. Đặc biệt, mẹ được Huyện đoàn Đông Hưng và Đoàn Thanh niên Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài nhận phụng dưỡng. Hai đơn vị thường xuyên liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương nắm tình hình sức khỏe, đời sống của mẹ để thăm hỏi kịp thời cùng với gia đình chăm sóc mẹ khi đau yếu.

Chị Cao Thị Hiền, Phó Bí thư Huyện đoàn Đông Hưng cho biết: Qua hoạt động này, chúng tôi muốn thể hiện sự tri ân, tình cảm sâu sắc của thế hệ trẻ đối với sự hy sinh thầm lặng, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của mẹ Tuyển nói riêng, các mẹ Việt Nam anh hùng nói chung; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp đối với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Đồng thời phần nào làm vơi bớt những mất mát, đau thương, góp phần động viên các mẹ sống vui, sống khỏe, gắn kết tình cảm sâu sắc giữa mẹ với đơn vị phụng dưỡng và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hoàng Linh
(Đài TTTH Đông Hưng)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày