Thứ 6, 22/11/2024, 09:17[GMT+7]

Nền kinh tế Pháp nỗ lực vượt khó

Thứ 7, 23/07/2022 | 09:02:15
877 lượt xem
Nền kinh tế Pháp đang đối mặt hàng loạt thách thức do tỷ lệ lạm phát tăng phi mã, nguy cơ thiếu nguồn cung năng lượng. Chính phủ Pháp đang nỗ lực ngăn chặn những kịch bản xấu có thể xảy ra, đe dọa tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Lạm phát khiến người dân Pháp phải thắt chặt chi tiêu. Ảnh REUTERS

Chính phủ Pháp vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 20 tỷ euro, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao. Gói hỗ trợ đề xuất tăng 4% phúc lợi và trợ cấp hưu trí, tăng lương công chức thêm 3,5% và kéo dài thời gian trợ giá năng lượng. Gói hỗ trợ được đưa ra trong bối cảnh lạm phát trong tháng 6 vừa qua tại Pháp đã chạm mức kỷ lục kể từ năm 1991. Theo số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia (INSEE), lạm phát tại Pháp tiếp tục tăng lên mức 6,5% vào tháng 6, từ 5,8% trong tháng trước đó.

Theo INSEE, lạm phát tăng là do giá năng lượng và thực phẩm tăng nhanh. Chỉ trong vòng một năm, do sự bùng nổ giá xăng dầu, giá năng lượng đã tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên qua, với mức tăng 33,1%. Giá thực phẩm cũng leo thang nhanh chóng với mức tăng 5,7% trong một năm, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Thậm chí giá các sản phẩm tươi sống đã tăng 6,2%.

Nhà phân tích Charlotte de Montpellier (S.Mông-pơ-li-ê) thuộc Ngân hàng ING cho rằng, những số liệu này là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lạm phát sắp đạt đỉnh tại Pháp. Theo bà Charlotte de Montpellier, lạm phát sẽ bắt đầu "hạ nhiệt" vào cuối năm nay khi giá năng lượng ổn định và tăng trưởng kinh tế chậm lại sau khi phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch Covid-19. Trong khi đó, INSEE dự kiến lạm phát sẽ tăng tốc đến xấp xỉ 7% trong tháng 9 tới, trước khi ổn định vào cuối năm trong khoảng từ 6,5% đến 7%.

Mặc dù Pháp là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất Liên minh châu Âu (EU), song "cơn bão giá" cũng gia tăng gánh nặng chi tiêu lên các hộ gia đình tại nước này. Giá cả leo thang làm thay đổi thói quen tiêu dùng và buộc người dân Pháp phải "thắt lưng buộc bụng". Chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế của Pháp chững lại.

Bên cạnh lạm phát, việc bảo đảm nguồn cung năng lượng cũng là bài toán làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách tại Pháp. So với các nước láng giềng, Pháp ít phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga hơn. Khí đốt từ Nga chỉ chiếm 17% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất điện hạt nhân, nguồn năng lượng điện chính của Pháp, chiếm khoảng 70% sản lượng điện của cả nước, đang đối mặt nhiều thách thức. Khoảng một nửa số nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang ngừng vận hành để kiểm tra an toàn hoặc bảo trì. Vì vậy, hoạt động sản xuất điện khó có thể được khôi phục lại trạng thái bình thường cho đến năm 2023.

Mới đây, giới chức Pháp cho biết, Chính phủ nước này đang chuẩn bị cho việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga, đồng thời kêu gọi người dân tiết kiệm năng lượng. Trước đó, lãnh đạo các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp cũng khẳng định, người tiêu dùng và các công ty cần ngay lập tức hạn chế mức tiêu thụ năng lượng để bảo đảm nguồn cung cho mùa đông tới, trước nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Gói biện pháp trị giá 20 tỷ euro nhằm kiềm chế lạm phát mà Chính phủ Pháp vừa công bố cần được Quốc hội nước này thông qua trước khi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, vì Liên minh của Tổng thống Emmanuel Macron (E.Ma-crông) không giành thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử lập pháp hồi tháng trước, nên mọi dự luật đề xuất đưa ra Quốc hội cần phải được phe đối lập ủng hộ hoặc bỏ phiếu trắng mới có thể được thông qua. Giới phân tích hy vọng, nếu được thông qua, gói giải pháp sẽ góp phần làm dịu cơn bão giá, thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế Pháp.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày