Thứ 4, 24/04/2024, 16:56[GMT+7]

Không chủ quan trước sốt xuất huyết

Thứ 2, 25/07/2022 | 08:27:14
1,479 lượt xem
Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022, cả nước ghi nhận hơn 113.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 39 ca tử vong. Tại Thái Bình, từ ngày 1/1 - 15/7, toàn tỉnh cũng đã ghi nhận 71 ca mắc SXH, cao gần 2 lần so với cả năm 2021.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết được tìm thấy ở các gia đình xung quanh nhà bệnh nhân.

Xuất hiện các ca nội sinh trên địa bàn tỉnh

Ngày 5/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận một trường hợp mắc SXH nội sinh có địa chỉ tại xã Nam Cao (Kiến Xương). Ca bệnh được xác định là nội sinh vì hơn một tháng qua, bệnh nhân nhi 6 tháng tuổi và người thân trong gia đình không ra tỉnh ngoài; tại xã Nam Cao cũng chưa ghi nhận có ca mắc SXH. Sau khi có thông tin về ca mắc, ngày 6/7, Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương đã tiến hành điều tra thực địa. Kết quả điều tra, giám sát không phát hiện thêm bệnh nhân mới; điều tra côn trùng truyền bệnh tại 30 hộ xung quanh nhà bệnh nhân phát hiện có muỗi Aedes tại 1/30 hộ, chỉ số nhà có bọ gậy là 16,6 và chỉ số BI là 20 (cao). Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với địa phương thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phun hóa chất lần 1. Đến ngày 14/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện điều tra, giám sát lần 2 và không ghi nhận phát sinh bệnh nhân mới. Tuy nhiên, điều tra chỉ số côn trùng tại 30 hộ xung quanh nhà bệnh nhân vẫn phát hiện có muỗi Aedes, nhiều ổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước, chậu cây cảnh và các chỉ số nguy cơ rất cao. 

Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với mầm bệnh nội sinh và thời tiết mưa kéo dài rất thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển, nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, triệt để sẽ có nguy cơ bùng phát dịch cao; đồng thời đề nghị Trung tâm Y tế huyện, xã Nam cao tăng cường giám sát, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch...

Trường hợp ghi nhận ca mắc SXH nội sinh không phải hiếm gặp. Trong 71 ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn tỉnh (tính đến ngày 15/7/2022) có 54 ca ngoại sinh và 17 ca nội sinh ở thành phố Thái Bình (4 ca), Kiến Xương (4 ca), Vũ Thư (3 ca), Đông Hưng (2 ca), Thái Thụy (2 ca), Tiền Hải (1 ca), Quỳnh Phụ (1 ca). 7/8 huyện, thành phố đã ghi nhận có ca mắc nội sinh. Nếu không có các biện pháp quyết liệt thì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn bởi véc-tơ truyền bệnh (muỗi gây bệnh SXH) đã lưu hành trong cộng đồng.

Chủ động phòng, chống SXH từ mỗi gia đình, đơn vị, địa phương

Trước bối cảnh bệnh SXH đang gia tăng ở nhiều địa phương, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại Thái Bình, các địa phương có ca mắc SXH đã chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống kịp thời. Tuy nhiên, qua thực tế vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong phòng, chống SXH. Ngoài sự lơ là, chủ quan của người dân, công tác vệ sinh môi trường tại cộng đồng, cơ quan, đơn vị, các gia đình chưa triệt để. Nhiều nơi vẫn để muỗi gây SXH trú ngụ, sinh sản, phát triển. Người dân chưa thường xuyên lật úp, thu gom, loại bỏ các dụng cụ, phế thải, còn tình trạng để đọng nước trong chậu hoa, cây cảnh, không đậy kín các dụng cụ chứa nước... Việc kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường ở nơi có ca mắc chưa sát tới từng hộ gia đình; chưa đánh giá chính xác mức độ đạt yêu cầu về vệ sinh môi trường trước khi tổ chức phun hóa chất. Công tác truyền thông tại nơi có ca mắc chưa cụ thể, chưa quan tâm đến việc tư vấn, hướng dẫn thực hành.

Ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Dịch bệnh SXH có tính chu kỳ, thường khoảng 4 - 5 năm/lần. Hiện nay đang là mùa hè, nhiều đợt mưa nắng đan xen rất thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh SXH phát sinh, phát triển mạnh. Bên cạnh đó, trong cộng đồng dân cư luôn tồn tại yếu tố nguy cơ để dịch xâm nhập, bùng phát như: sự đi lại, giao lưu giao thương; người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. Môi trường cho véc-tơ truyền bệnh sinh sản, phát triển vẫn còn và rất khó xử lý triệt để, đó là các đồ dùng, vật dụng phế thải, bể nước không được che đậy, chậu hoa cây cảnh nhiều, các công trình xây dựng bị bỏ hoang... Để chủ động phòng, chống dịch, ngành y tế đề nghị các địa phương cần cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động tham mưu các biện pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch SXH. Thường xuyên đánh giá chỉ số côn trùng truyền bệnh tại 30 cụm xã và các điểm nguy cơ (cả các công trường đang xây dựng). Tiếp tục duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thường xuyên thay nước tại các vật dụng trong gia đình, thu dọn các vật phế thải; phun hóa chất xử lý môi trường.

Hoàng Lanh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày