Thứ 3, 26/11/2024, 06:44[GMT+7]

Module Thiên Vấn ghép thành công với trạm vũ trụ Trung Quốc

Thứ 2, 25/07/2022 | 09:26:44
885 lượt xem
Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc thông báo module thí nghiệm Vấn Thiên ghép nối với module chính Thiên Hòa vào 3h13 ngày 25/7 theo giờ Hà Nội.

Trung Quốc phóng module thí nghiệm Vấn Thiên lên quỹ đạo vào chiều hôm qua. Tên lửa Trường Chinh 5B Y3 mang theo module Vấn Thiên, cất cánh lúc 13h22 ngày 24/7 từ bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương thuộc tỉnh Hải Nam phía nam Trung Quốc. Khoảng 8 phút sau, module Vấn Thiên tách khỏi tên lửa đẩy và tiến vào quỹ đạo. Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người lái Trung Quốc (CMSEO) tuyên bố nhiệm vụ phóng thành công hoàn toàn.

Đây là lần đầu tiên quá trình gặp gỡ và ghép nối diễn ra khi các phi hành gia ở trên trạm vũ trụ Trung Quốc. Phi hành đoàn Thần Châu 14 đang sinh sống trong module chính sẽ tiến vào cabin của module Vấn Thiên. Họ là những phi hành gia Trung Quốc đầu tiên chứng kiến hai module lớn của trạm Thiên Cung ghép nối trên quỹ đạo.

Hôm 17/7, tàu chở hàng Thiên Châu 3 tách khỏi module Thiên Hòa, chừa lại cổng ghép nối ở mặt trước cho module Vấn Thiên. Phi hành đoàn Thần Châu 14 cũng theo dõi buổi phóng từ quỹ đạo. Với chiều dài 17,9 m, đường kính tối đa 4,2 m và trọng lượng cất cánh 23 tấn, Vấn Thiên là tàu vũ trụ lớn và nặng nhất mà Trung Quốc từng phát triển. Module này có không gian sinh hoạt tương tự module Thiên Hòa, bao gồm 3 buồng ngủ, một toilet và một phòng bếp.

Vấn Thiên sẽ cung cấp nền tảng thí nghiệm khoa học lớn hơn trong không gian. Module chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học sự sống trong vũ trụ, trang bị cabin thí nghiệm dành cho sinh thái học, công nghệ sinh học và khoa học về trọng lực. Vấn Thiên cũng sở hữu một cánh tay robot nhỏ nặng và dài bằng một nửa cánh tay robot hiện nay ở module chính. Cánh tay robot này có tải trọng bằng khoảng 1/8 bản tiền nhiệm và độ chính xác cao gấp 5 lần, cho phép tiến hành nhiều hoạt động phức tạp hơn. Nhiệm vụ của cánh tay robot là hỗ trợ phi hành gia trong hoạt động ngoài tàu vũ trụ và kiểm tra tình trạng ở mặt ngoài tàu.

Module thí nghiệm Mộng Thiên, bộ phận cuối cùng của trạm vũ trụ, sẽ phóng trong tháng 10/2022. Khi đó, trạm vũ trụ Trung Quốc sẽ có cấu trúc hình chữ T với module chính Thiên Hòa ở giữa cùng module Vấn Thiên và Mộng Thiên ở hai bên. Moduel Mộng Thiên sẽ phục vụ nghiên cứu khoa học vi trọng lực, trang bị nhiều cabin thí nghiệm đa ngành như vật lý chất lưu, khoa học vật liệu, khoa học động cơ đốt, vật lý cơ bản và thí nghiệm công nghệ hàng không vũ trụ. Theo Lin Xiqiang, phó giám đốc CMSEO, gần 100 thí nghiệm sẽ được tiến hành trong thời gian xây dựng trạm vũ trụ.

Theo vnexpress.net