Thứ 6, 22/11/2024, 11:43[GMT+7]

'Doanh nghiệp Việt ngày càng quan tâm sở hữu trí tuệ'

Thứ 7, 30/07/2022 | 09:15:48
661 lượt xem
Doanh nghiệp ngày càng quan tâm xác lập quyền sở hữu trí tuệ nên xử lý đơn nhanh được xem là nhiệm vụ trọng tâm, theo Cục trưởng Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí.

Ông Đinh Hữu Phí phát biểu tại sự kiện.

Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ sáng 29/7, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, tính đến hết 6 tháng năm 2022, Cục đã tiếp nhận gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu trí tuệ và cấp gần 600.000 văn bằng bảo hộ các loại. Hướng vào chất lượng xử lý đơn, Cục cải thiện bằng giải pháp đổi mới, cải tiến về quản lý, tổ chức công việc, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ, nhằm đáp ứng nhu cầu cao của xã hội.

Bên cạnh đó các sản phẩm địa phương cũng được bảo hộ qua chương trình phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68). Theo đó các sản phẩm lụa (Quảng Nam), tiêu (Quảng Trị), điều (Bình Phước)... đã được bảo hộ. Thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn và cà phê Buôn Mê Thuột đã đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Các sản phẩm đạt tiêu chí về chất lượng, đặc tính, nguồn gốc được chỉ dẫn địa lý, giúp các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện của Việt Nam.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những nỗ lực của Cục Sở hữu trí tuệ, ngày càng thể hiện vai trò trụ cột của ngành khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đất nước. Ở đó các sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác được coi là tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo.

Ông ghi nhận, từ những ngày đầu thành lập, nền tảng pháp lý cho hoạt động sở hữu trí tuệ luôn được tập trung xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Mới đây nhất Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội thông qua, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và các cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T An

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Bà Thitapha Wattanapruttipaisan, Trưởng Văn phòng đại diện của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Singapore, nhận định tài sản sở hữu trí tuệ đã góp phần phần thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo và không gian công nghệ trong và ngoài khu vực ASEAN.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vị trí đứng đầu trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. "Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia có số đơn đăng ký sáng chế hàng đầu trong khu vực", bà nói.

Theo đại diện WIPO, các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như giao diện con người, máy tính tốc độ cao và phân tích dữ liệu lớn chiếm khoảng một nửa danh mục sáng chế gần đây trong nước. Hiện Việt Nam có khoảng 10 kỳ lân công nghệ, chiếm gần 30% trong tổng số 36 kỳ lân công nghệ khu vực ASEAN vào năm 2021. "Các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cần một thập kỷ hoặc ít hơn để trở thành kỳ lân công nghệ, trong khi các tập đoàn trong danh sách Fortune 500 cần khoảng 20 năm để đạt được giá trị tỷ đô", bà nói.

Theo vnexpress.net