Thứ 2, 13/01/2025, 21:30[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị tích cực, chủ động ứng phó với bão số 2

Thứ 4, 10/08/2022 | 16:46:16
6,695 lượt xem

Các hộ nuôi trồng thủy sản huyện Tiền Hải chủ động tiêu thoát nước đề phòng ngập úng diện tích nuôi thủy sản. Ảnh: Mạnh Thắng

* Tiền HảiTàu thuyền của ngư dân neo đậu tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Ảnh: Mạnh Thắng

Theo thống kê huyện Tiền Hải có tổng số tàu thuyền là 546 phương tiện. Để chủ động phòng, chống cơn bão số 2, huyện huyện Tiền Hải đã chủ động yêu cầu các địa phương ven biển rà soát, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động tại những vùng biển di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú, tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn. Yêu cầu các xã ven biển, ven sông rà soát, ký cam kết không để người lao động trông coi tại các chòi canh ngao, đầm nuôi trồng thủy sản trước khi có bão đổ bộ vào đất liền; đồng thời rà soát phương án di dân khỏi khu vực xung yếu khi có yêu cầu. Kiểm tra rà soát hệ thống đê sông, đê biển và các trọng điểm xung yếu ở 2 tuyến đê số 5 và số 6 để có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Chủ động điều tiết nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mới cấy và hoa mùa. Bên cạnh đó, các ngành liên quan liên tục cập nhật tin tức về cơn bão số 2 và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo, kiểm tra và triển khai tuyên truyền đến nhân dân bảo đảm an toàn cho các hộ dân, hệ thống đê điều, đặc biệt là các điểm xung yếu tại địa phương, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

* Thái Thụy         Tàu thuyền của ngư dân Thái Thụy neo đậu tại cảng cá Tân Sơn (Thụy Hải). Ảnh: Trần Tuấn         

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy đang tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị thực hiện thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động tránh trú, di chuyển vào nơi an toàn; tổ chức việc kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; duy trì thông tin liên lạc với các chủ tàu thuyền đang hoạt động để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. 

Tính đến chiều ngày 10/8, huyện đã liên lạc được với toàn bộ 525 phương tiện tàu thuyền/1.878 lao động đang làm nghề khai thác thủy hải sản trên địa bàn. Trong đó, có 69 phương tiện/382 lao động đang hoạt động trên biển và 456 phương tiện/1.496 lao động đang neo đậu an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh.

Cùng với thực hiện công tác kêu gọi tàu thuyền, các địa phương trong huyện đang tích cực tiến hành rà soát phương án di dời lao động nuôi ngao, lao động nuôi trồng thủy sản, ngư dân trên các phương tiện tàu thuyền đã neo đậu trên địa bàn, người dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn. Toàn huyện, hiện có 191 chòi trông coi ngao/165 lao động, 783 hộ/904 lao động nuôi trồng thủy sản ngoài đê và 303 hộ với 2.275 người dân sinh sống ngoài đê chính. Các địa phương trong huyện đã sẵn sàng phương án di dân theo chỉ đạo của cấp trên.

Huyện Thái Thụy cũng sẵn sàng phương án chống úng để bảo vệ lúa, hoa màu, vùng trũng, thấp và khu nuôi trồng thủy sản; kiểm tra hệ thống đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, công trình hạ tầng; kiểm tra các điểm ách tắc do thi công một số dự án trên địa bàn...

 * Thành phố 

Nông dân xã Vũ Phúc (thành phố) thu hoạch ra màu trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Minh Nguyệt 

Để chủ động ứng phó với bão số 2, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế tháp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, các phòng, đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của bão để thông tin kịp thời tới các cơ quan, đơn vị và toàn thể nhân dân để biết, chủ động phòng, chống. Đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, tiếp tục tiêu nước, hạ thấp mực nước trong hệ thống; tổ chức kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước đô thị. Thực hiện phương án tiêu thoát nước tại các cửa xả ra sông, bảo đảm vận hành các trạm bơm nước thải thường xuyên, liên tục. 

Các địa phương, đơn vị chủ động rà soát các phương án phòng chống thiên tai, phòng chống ngập úng tại các khu vực thấp, trũng; phương án sơ tán người dân đang sống trong khu vực không an toàn đến nơi an toàn. Các chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, phương tiện, công trình đang thi công; không để việc thi công công trình làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước tại khu vực. Giải tỏa ngay vật tư, hàng hóa tại các bến bãi; kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ công trình đê, kè xung yếu; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.

* Quỳnh Phụ

Để chủ động ứng phó trước diễn biến của bão số 2 và mưa lớn, ngày 10/8, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Phụ đã ban hành Công điện khẩn số 05 chỉ đạo các xã, thị trấn, các ngành liên quan thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh và huyện.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) huy động máy móc để khơi thông dòng chảy. Ảnh: Nguyễn Cường 

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Quỳnh Phụ yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện, HTX DVNN các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các cống qua đê (cả đê bối, bờ ao), cống đập nội đồng, sẵn sàng kích hoạt trạm bơm tiêu úng để bảo vệ sản xuất; tập trung giải phóng bèo bồng, đăng, đó, vó, bè và các vật cản trên kênh theo phân cấp quản lý, kênh mương nội đồng; chủ động điều tiết mực nước mặt ruộng hợp lý bảo đảm cho lúa, rau màu sinh trưởng và phát triển. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, phương án bảo vệ đê, kè, cống xung yếu; bố trí phương tiện, lực lượng cứu hộ, cứu nạn, kịp thời triển khai khi có yêu cầu.

* Bộ CHQS tỉnh

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, thực hiện công văn chỉ đạo của Quân khu 3 và của tỉnh, Bộ CHQS tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên cập nhật diễn biến của bão và diễn biến tình hình mưa lũ; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình thiên tai, sạt lở trên địa bàn, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động giúp dân ứng phó, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn. Đặc biệt có biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Ban CHQS các huyện Tiền Hải, Thái Thụy phối hợp với các cơ quan chức năng, lực lượng Biên phòng tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo việc thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn; thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Kiểm tra, rà soát các công trình đê, kè, cống và các trọng điểm xung yếu, nếu phát hiện thấy các công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay. Kiểm tra hệ thống kho tàng, doanh trại, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với chính quyền địa phương theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng cơ động tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng giúp dân sơ tán đến nơi an toàn trong tình huống thiên tai phức tạp xảy ra.

Bộ CHQS tỉnh đã thành lập các đoàn công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đi chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại các địa phương cơ sở; thường xuyên liên lạc phối hợp với các cơ quan chức năng, ban, ngành nắm chắc tình hình và các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3 đứng chân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng huy động phương tiện, lực lượng chủ động xử lý các tình huống hạn chế thấp nhất hậu quả do ảnh hưởng của bão số 2 gây ra.

Ngư dân xã Đông Minh (Tiền Hải) neo đậu phương tiện chủ động ứng phó với bão số 2. Ảnh: Trịnh Cường 

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, trên địa bàn tỉnh có 1.096 phương tiện tàu, thuyền với 3.272 lao động. Trong đó, 50 tàu thuyền với 242 lao động đang hoạt động ở ngoài tỉnh; 145 phương tiện/435 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 901 phương tiện/2.595 lao động đã vào neo đậu tại các bến trong tỉnh. Đến 11 giờ ngày 10/8, tất cả số phương tiện thuộc diện BĐBP quản lý trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm. Cùng với đó, 13 phương tiện/87 lao động nội địa và quốc tế đã xin vào neo đậu, tránh trú bão trong khu vực kiểm soát của BĐBP Thái Bình.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền (Thái Thụy) liên lạc, kêu gọi tàu thuyền của ngư dân vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Trịnh Cường 

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 2, thực hiện công văn chỉ đạo của các cấp, các đơn vị BĐBP đã duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát toàn bộ địa bàn quản lý, phối hợp với các địa phương kêu gọi, vận động lao động tại các chòi canh ngoài đê và các bãi triều nuôi trồng thủy hải sản gia cố, chằng buộc tài sản và vào bờ theo quy định. Các đơn vị sử dụng hệ thống máy thông và phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền địa phương, thông báo vị trí, diễn biến của bão và hướng dẫn ngư dân không đi vào vùng nguy hiểm.

3 tàu, hơn 30 xuồng, ca nô cao tốc; 20 xe vận tải cùng lực lượng thường trực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của Bộ CHQS tỉnh; Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẵn sàng cơ động phối hợp với các địa phương, đơn vị ứng cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp khi có yêu cầu.

Nhóm phóng viên