Chủ nhật, 24/11/2024, 10:08[GMT+7]

Khó khăn chồng chất của Afghanistan

Thứ 4, 17/08/2022 | 09:45:00
850 lượt xem
Ngày 15/8 là tròn một năm kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan, với cam kết sẽ xây dựng một đất nước Afghanistan mới để được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, người dân quốc gia Nam Á tiếp tục đối mặt cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết.

Phụ nữ và trẻ em tại một trại tị nạn ở Jalalabad, Afghanistan. Ảnh: AFP/TTXVN

Những binh sĩ cuối cùng của Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan đã để lại một quốc gia Nam Á hỗn loạn vào thời điểm một năm trước. Taliban lên nắm quyền kiểm soát Afghanistan trong bối cảnh tài chính bị phong tỏa, Mỹ và các nước phương Tây đóng băng khối tài sản trị giá gần 10 tỷ USD. Ngoài ra, các nước phương Tây cùng các thể chế cho vay quốc tế cũng đình chỉ nhiều khoản vay, khoản viện trợ tới khi Taliban thực hiện các cam kết của mình với người dân Afghanistan.

Một năm sau, Afghanistan vẫn cận kề bờ vực thảm họa nhân đạo tồi tệ khi mất an ninh lương thực trầm trọng, số phận và quyền của phụ nữ, trẻ em tiếp tục bị đe dọa, trong khi hiện 70% số hộ gia đình Afghanistan không thể lo đủ nhu cầu cơ bản. Trên khắp Afghanistan, hầu hết các trường trung học cơ sở dành cho học sinh nữ đều bị đóng cửa theo yêu cầu của Taliban. Liên minh châu Âu (EU) mới đây bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình ngày càng xấu đi của phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan.

Chính quyền do Taliban lập ra không chỉ thiếu thốn tài chính mà còn chưa bảo đảm được tính ổn định, thống nhất cũng như chưa được trang bị đủ kỹ năng và kinh nghiệm để xử lý khủng hoảng, nhất là trong bối cảnh thiếu sự hỗ trợ của quốc tế. Theo thống kê, khoảng 22,8 triệu người (hơn 50% dân số) Afghanistan không được bảo đảm an ninh lương thực và ba triệu trẻ em có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.

Hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trong hai năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Theo Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), 18,9 triệu người Afghanistan, trong đó có 9,2 triệu trẻ em, có thể phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp trong khoảng thời gian từ tháng 6 tới tháng 11/2022. Trong khi đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, 97% dân số Afghanistan đang sống trong nghèo đói cùng cực và ngày càng nhiều người đang sống dưới mức nghèo khổ.

Taliban lên nắm quyền với tuyên bố không để Afghanistan trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố, song các vụ tiến công vẫn xảy ra. Tổ chức khủng bố Haqqani, một nhánh của Taliban, tiếp tục gia tăng hoạt động bên cạnh Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ. Mặc dù các quan chức Taliban khẳng định đã đánh bại IS, song các nhà phân tích cho rằng, nhóm này vẫn là một thách thức an ninh lớn đối với Afghanistan. IS luôn nhắm mục tiêu vào người Hồi giáo dòng Shiite, chiếm từ 10% đến 20% trong tổng dân số 38 triệu người ở Afghanistan.

Vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ hôm 31/7 tiêu diệt thủ lĩnh hàng đầu của Al Qaeda Ayman al-Zawahihi ở Kabul đã chỉ ra thách thức lớn đối với chính quyền Taliban trong chống khủng bố. Trong tuyên bố chính thức ngày 4/8 vừa qua, Taliban thừa nhận “không có thông tin” về sự hiện diện của thủ lĩnh Al Qaeda ở Afghanistan. Theo giới quan sát, Taliban gặp quá nhiều khó khăn, cho thấy thách thức lớn trong tiến trình chuyển đổi từ lực lượng quân sự trở thành một chính quyền dân sự nắm quyền điều hành đất nước.

Trong bối cảnh bất ổn chính trị, an ninh gia tăng và kinh tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, Afghanistan đứng trước khó khăn chồng chất. Mới đây, hơn 70 nhà kinh tế Mỹ và chuyên gia phát triển quốc tế đã kêu gọi Washington trả lại Afghanistan 7 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan bị đóng băng, để giúp nước này phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, để có được sự hỗ trợ của quốc tế, chính quyền Taliban phải chứng tỏ được năng lực thực hiện các cam kết của mình. Đây là nhiệm vụ khó khăn với Taliban, trên con đường khôi phục hòa bình, ổn định của đất nước.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày