Thứ 5, 25/04/2024, 23:33[GMT+7]

Khắc phục khó khăn trong chuyển đổi số ở Cao Bằng

Thứ 7, 27/08/2022 | 08:28:21
1,404 lượt xem
Mặc dù được đánh giá là địa phương còn những hạn chế trong chuyển đổi số, nhưng tỉnh Cao Bằng đã được hưởng nhiều ích lợi từ công tác này. Từ những kết quả đã đạt được và nghiêm túc đánh giá hạn chế, bất cập, trì trệ, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đó, địa phương xác định cần tập trung khắc phục những hạn chế và nguyên nhân chủ quan cản trở chuyển đổi số, phấn đấu đưa địa phương tiến nhanh và tiến xa hơn trong chuyển đổi số.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử (Sở Nội vụ Cao Bằng) scan văn bản, tài liệu nâng cao hiệu quả bảo quản, truy xuất tài liệu.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cao Bằng, Hoàng Ngọc Sơn chia sẻ, thời gian qua, tại địa phương đã đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính. Sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và viên chức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó, triển khai thực hiện. Đến nay, 100% các cơ quan từ tỉnh đến cấp xã đã áp dụng, sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử và khoảng 97% số văn bản đã được chuyển qua phần mềm, qua đó, giảm chi phí in ấn và chuyển phát văn bản. Các sở, ngành, địa phương cũng tích cực thực hiện chuyển đổi số, gắn với cải cách hành chính và nâng cao chất lượng, hiệu quả công vụ.

Câu chuyện cải cách thủ tục tại Sở Giao thông vận tải Cao Bằng là thí dụ về việc người dân được hưởng lợi từ chuyển đổi số, cải cách hành chính. Để cấp đổi giấy phép lái xe ô-tô sắp hết thời hạn, tháng 6/2022, anh Thẩm Đức Luân, ở xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã truy cập vào internet, tìm hiểu các yêu cầu và thủ tục cấp đổi bằng lái xe, sau đó, hoàn thiện thủ tục và gửi hồ sơ theo đường bưu điện đến phòng chức năng của Sở Giao thông vận tải Cao Bằng, thay vì phải đi quãng đường hơn 100km từ nhà ra đến nơi nộp hồ sơ. Sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ, công chức, Sở đã cấp đổi bằng lái xe và gửi qua đường bưu điện cho anh Luân, giúp anh tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí.

Trung tâm Lưu trữ lịch sử (Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng) hiện lưu trữ, bảo quản gần 30 nghìn hồ sơ, tài liệu từ năm 1949 đến nay. Số liệu hồ sơ, tài liệu lớn, phải lưu trữ tại các nhà kho rộng khoảng 400m2. Giám đốc Trung tâm lưu trữ lịch sử Cao Bằng, Lục Xuân Thắng chia sẻ, số lượng hồ sơ, tài liệu lưu trữ lâu năm tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng, bị rách, lại mất nhiều thời gian tìm kiếm. Do đó, trung tâm đã số hóa, scan tài liệu, lưu trữ trên máy vi tính, ổ cứng, qua đó đã giảm áp lực lưu trữ, bảo quản tài liệu; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian truy xuất, tìm kiếm các hồ sơ, tài liệu, nâng cao mức độ hài lòng của các tổ chức, cá nhân đến tìm tài liệu giải quyết công việc liên quan. Nhiều cá nhân, tổ chức đến đơn vị tìm tài liệu về đất đai, chế độ, chính sách, người có công đã được giải quyết nhanh chóng, chính xác. Từ kết quả đạt được, đơn vị đang tiếp tục xây dựng, triển khai Đề án “Tạo lập cơ sở dữ liệu số hóa tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử giai đoạn 2022-2025”, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác số hóa tài liệu, bảo quản an toàn tài liệu và lập hồ sơ điện tử, giúp tìm kiếm, truy xuất tài liệu nhanh chóng và dễ dàng.

Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số, đến nay, tỉnh Cao Bằng đã triển khai, thực hiện các nội dung, phát triển hạ tầng số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và phát triển kinh tế số, xã hội số. Kết quả, đã có 190 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, bằng 10,1%; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 1.286 dịch vụ, bằng gần 69%, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, về căn bản, nhiệm vụ chuyển đổi số tại Cao Bằng chậm và còn một số hạn chế. Trong đó, một số dịch vụ công trực tuyến còn có quy trình xử lý phức tạp, khó sử dụng, cho nên chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân sử dụng. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số chưa kịp thời. Tại địa phương, một số đơn vị chưa thành lập ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch hành động để triển khai, thực hiện.

Phân tích nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong chuyển đổi số, đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đánh giá, nguyên nhân khách quan là điều kiện kinh phí, nhân lực; nguyên nhân chủ quan là người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng và giá trị của chuyển đổi số; công tác phối hợp triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chưa nhịp nhàng và hiệu quả. Do đó, các đơn vị, địa phương, trước hết là người đứng đầu, cần xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Từ đó, xây dựng, triển khai kế hoạch xây dựng hạ tầng số và các nhiệm vụ cần thực hiện. Các địa phương, đơn vị cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm, từng bước thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo nhandan.vn