Thứ 6, 27/12/2024, 08:47[GMT+7]

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm

Thứ 4, 31/08/2022 | 17:47:54
3,116 lượt xem
Những năm gần đây, mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều thanh niên. Sự tham gia trực tiếp của họ đã tạo ra sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm nông nghiệp, mở hướng đi mới cho thanh niên địa phương phát triển kinh tế.

Xã An Lễ (Quỳnh Phụ) không chỉ được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến với đền Đồng Bằng mà gần đây còn được nhiều người về thăm, trải nghiệm tại vườn nho hạ đen khi vào vụ của anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc. Vườn nho của anh Duẩn rộng hơn 2.000m2, hơn 2 năm tuổi. Vào vụ, các ngày cuối tuần anh Duẩn thường tiếp bình quân 20 lượt khách từ các nơi, kể cả tỉnh ngoài về tham quan, trải nghiệm mua sản phẩm. Được biết, việc khách đến trải nghiệm vườn nho của anh Duẩn ngay từ năm đầu tiên có trái. Những người đến vườn xuất phát từ việc muốn trực tiếp tìm hiểu quy trình tạo ra sản phẩm nho chất lượng không thua kém những vùng trồng nho truyền thống. Sau mỗi vụ, khách đến tham quan vườn và mua sản phẩm càng nhiều. Anh Duẩn dự kiến đầu tư mở rộng diện tích trồng nho hạ đen ngay gần khu vườn cũ. Anh chia sẻ: Việc có khách đến trải nghiệm tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng khi đến vườn không chỉ thấy được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà còn được mua nho với giá hợp lý. Lượng nho chín đến đâu bán hết đến đấy, còn không đủ so với nhu cầu của khách hàng.

Không chỉ có mô hình trồng nho hạ đen ở An Lễ, nhiều mô hình của thanh niên được nhiều người đến tham quan, trải nghiệm như Daza EcoFarm của chị Nguyễn Lan Anh, thôn Đà Giang, xã Nguyên Xá (Đông Hưng) sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với các sản phẩm: gạo, trà hoa hồng, trà hoa cúc, bạc hà khô… Để có được sự tin tưởng của khách hàng và xây dựng thương hiệu, trang trại thường xuyên tổ chức đưa khách, đặc biệt là học sinh về trải nghiệm thực tế quá trình trồng, thu hoạch và chế biến nông sản.

Du khách trải nghiệm hái nho tại vườn nho của anh Nguyễn Bá Duẩn, thôn Đồng Phúc, xã An Lễ (Quỳnh Phụ).

Vườn sinh thái hoa sen, súng cảnh của anh Vũ Thanh Toàn, thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa (Vũ Thư) cũng được khá nhiều đoàn khách đến thăm. Mỗi năm anh Toàn bán được khoảng 4.000 chậu. Giá mỗi chậu sen từ 150.000 - 800.000 đồng, cao nhất lên đến 4 triệu đồng. Ngoài thu nhập từ bán sen trong chậu, anh còn thu lãi nhờ bán hoa sen cắm lọ, trà sen, trà súng, rượu sen suốt 4 mùa trong năm. Bên cạnh đó, anh Toàn còn đào thêm ao trong khuôn viên vườn để trồng thêm sen, súng, trang trí tiểu cảnh, cầu tre cho khách đến tham quan, chụp ảnh; cộng thêm lợi thế nằm bên quốc lộ, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội nên đầm sen của anh thu hút đông đảo khách trong và ngoài tỉnh tới thăm, chụp ảnh lưu niệm và mua các sản phẩm. Sau gần 5 năm trồng sen, hiện nay mỗi tháng anh thu lãi hơn 100 triệu đồng; những người lao động làm việc tại đầm sen cũng có thu nhập ổn định. 

Theo anh Toàn: Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng những thành quả từ xây dựng nông thôn mới đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc để du lịch nông nghiệp phát triển. Qua đó tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đa dạng phục vụ nhu cầu của du khách bên cạnh các loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh như biển, văn hóa, tâm linh, sinh thái, góp phần quan trọng nâng cao đời sống cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Theo chủ các mô hình, khách đến thăm, trải nghiệm chính là một trong những cách quảng bá tốt nhất, không chỉ về sản phẩm của mô hình mà cả về mảnh đất và con người địa phương. Những mô hình làm nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm thành công đã gợi mở cho nhiều thanh niên lên kế hoạch làm giàu từ mô hình này. 

Anh Nguyễn Văn Phước, thôn Khúc Mai, xã Thụy Thanh (Thái Thụy), anh Lê Ngọc Thành, tổ dân phố số 13, thị trấn An Bài (Quỳnh Phụ) dự định cũng làm nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm trên cơ sở mô hình sản xuất nông nghiệp sẵn có của mình. Tuy nhiên, theo các anh, du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là loại hình mới, muốn phát triển tương xứng với tiềm năng thì cần có lộ trình rõ ràng và kế hoạch dài hạn, nguồn kinh phí đầu tư khá lớn.

Các em học sinh thích thú với trải nghiệm hái, uống nước dừa ngay tại vườn của anh Nguyễn Văn Phước, thôn Khúc Mai, xã Thụy Thanh (Thái Thụy).

Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, hè năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, trú tại quận Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) về quê thăm người thân. Từng học chuyên ngành nông nghiệp, chị khá ngạc nhiên khi được người thân dẫn tới tham quan một số điểm du lịch trong tỉnh. 

Chị Huyền cho biết: Gia đình tôi đi vãn cảnh chùa Keo, chụp ảnh tại vườn sen, sau đó về tắm biển, nghỉ một đêm tại cồn Vành, sáng hôm sau về đền A Sào và trải nghiệm hái nho tại xã An Lễ. Tôi ngạc nhiên khi thấy các bạn trẻ quê mình làm được mô hình trải nghiệm khá mới và bước đầu thành công. Tôi nghĩ rằng có nhiều địa điểm, mô hình mới, hấp dẫn thì chắc chắn các địa danh trong tỉnh sẽ ngày càng được nhiều người biết, đến thăm, từ đó mang lại thu nhập cho các mô hình và việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với trải nghiệm thực tế đang là hướng đi cho thấy sự phù hợp, hiệu quả.

Qua các mô hình cho thấy thanh niên có sự hiểu biết về tài nguyên bản địa để tạo nên sức mạnh nội tại bên trong, chính họ góp phần chia sẻ và lan tỏa những giá trị đó một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, việc kết hợp du lịch với nông nghiệp, thiết kế những hành trình trải nghiệm sẽ giúp các bạn trẻ xây dựng nên những sản phẩm độc quyền, khác biệt mà không ai có thể copy được.

Xuân Phương