Thứ 7, 10/08/2024, 04:22[GMT+7]

Tư pháp Thái Bình- Một năm nhìn lại

Thứ 5, 04/02/2016 | 14:10:37
985 lượt xem
Năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, công tác tư pháp của Thái Bình đã bám sát các định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ được giao, đạt được một số kết quả nổi bật.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn pháp luật tại cơ sở.

 

Sở Tư pháp đã xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, tổ chức thành công cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 186.504 bài dự thi (chiếm 10,46% dân số của tỉnh), đồng thời chọn, gửi bài dự thi toàn quốc được Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương chấm và trao giải C cho Ban Tổ chức cuộc thi tỉnh Thái Bình và 3 cá nhân được giải khuyến khích. Ðã tích cực rà soát được 1.550 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó cấp tỉnh có 853 văn bản, cấp huyện có 459 văn bản và cấp xã có 238 văn bản), qua rà soát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới 79 văn bản cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013; đã thẩm định giúp UBND các cấp ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật (cấp tỉnh 32 văn bản, cấp huyện 25 văn bản, cấp xã 601 văn bản) và tham gia ý kiến nhiều dự thảo văn bản của trung ương và của tỉnh; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính nhất là việc giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai hoạt động Trung tâm Hành chính công, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, làm đầu mối để đưa cán bộ, công chức, viên chức cũng như hầu hết các thủ tục hành chính của các cơ quan trong tỉnh ra Trung tâm Hành chính công của tỉnh thực hiện từ cuối tháng 10/2015. Một số đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh; công tác ứng dụng công nghệ thông tin đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành.

 

Trong bối cảnh Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp, phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng công tác tư pháp có chuyển biến tích cực nhờ nỗ lực chung của các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị, trong đó có phần đóng góp quan trọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp. Trong tiến trình đổi mới của đất nước nói chung, của tỉnh nói riêng, ngành Tư pháp Thái Bình đã và đang tiến hành đổi mới khá sâu rộng, toàn diện và đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra một số hoạt động chưa bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng như: việc triển khai công tác pháp chế sở, ngành; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn chậm được đổi mới, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp viên, cộng tác viên kiểm tra văn bản... đã được kiện toàn, củng cố nhưng hoạt động còn chưa tích cực...

 

Sang năm 2016, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngành Tư pháp Thái Bình sẽ quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng yếu sau:

 

- Tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp; đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội; tiếp tục rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với Hiến pháp.

 

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các văn bản của trung ương; gắn kết công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật với việc tổ chức thi hành pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật, xứng đáng là “người gác cổng” trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND các cấp.

 

- Tăng cường quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, trong đó tập trung phối hợp với các sở, ngành có liên quan rà soát, chuẩn hóa bộ thủ tục hành chính thực hiện tại các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh để đưa ra thực hiện tại Trung tâm Hành chính công; đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới như thừa phát lại, quản tài viên; nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia của ngành Tư pháp trong việc xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế.

 

- Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hành chính tư pháp gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào những lĩnh vực như: hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp; triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Hộ tịch theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch, bảo đảm đồng bộ với Luật Căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử làm nền tảng cho việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

 

- Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan tư pháp các cấp; cần nhận thức sâu sắc trong toàn ngành về vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ, tăng cường chất lượng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ tư pháp, nhất là cán bộ tư pháp cho cơ sở; xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại.

 

- Tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do Bộ Tư pháp phát động; đồng thời, tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cán bộ tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

 

Nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của ngành Tư pháp Thái Bình còn hết sức nặng nề. Ðảng ủy, lãnh đạo Sở Tư pháp sẽ quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ, có chất lượng những chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của Bộ Tư pháp; dành ưu tiên cho công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật, tuyên truyền và tổ chức thi hành Hiến pháp; tập trung tổ chức thực hiện tốt những luật đã có hiệu lực mang tính cải cách mà Quốc hội đã thông qua như Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HÐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hộ tịch...; tập trung khắc phục sớm những hạn chế, yếu kém, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực mà pháp luật giao cho. Tất cả đều thực hiện trên tinh thần lấy dân làm gốc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp Thái Bình nguyện trung thành với Tổ quốc, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư đối với công tác tư pháp.

 

ĐINH TRỌNG XÁ

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày