Thứ 3, 23/04/2024, 19:03[GMT+7]

Bài 3: Việt Á và sự công khai, minh bạch

Thứ 4, 28/09/2022 | 11:02:02
576 lượt xem
Dân chủ, công khai, minh bạch có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện và thúc đẩy người dân tham gia quản lý nhà nước và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của các cơ quan, công chức nhà nước. Việc tăng cường trách nhiệm giải trình sẽ thúc đẩy chính quyền ngày càng công khai, minh bạch. Nếu thông tin Việt Á được công khai, minh bạch hay câu chuyện nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc được công khai, minh bạch sớm... sẽ ngăn chặn được những tiêu cực xảy ra tránh sai phạm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Biến ảo ''giá kít test'' do đâu?

Trao đổi với báo chí về câu chuyện công khai, minh bạch giá kit test Việt Á, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), cho rằng, qua các vụ việc vừa rồi, đặc biệt là vụ Việt Á cần phải thay đổi cơ chế quản lý.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nói: Hiện nay, ta đang quản lý theo quy trình và phải tuân thủ quy trình đấy. Nhưng trên thực tế, rất nhiều vụ làm đúng quy trình, nhưng kết quả không đúng, vẫn xảy ra những chuyện như thất thoát, tham nhũng, sai phạm.

Ông Cường cho rằng, không chỉ doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng phải công bố công khai về các hàng hóa được xuất nhập, giá cả như thế nào. Với quản lý thuế xuyên biên giới, yêu cầu các quốc gia phải công bố với nhau về giá, nguyên nhiên vật liệu đầu vào của các tập đoàn lớn để tránh tình trạng chuyển giá.

Với hàng hóa nhập khẩu trong nước, việc công bố công khai giá bao nhiêu là chuyện bình thường. Ông Cường nhấn mạnh, những yếu tố đầu vào không phải bí mật kinh doanh, công khai những thông tin đó không sao, không ảnh hưởng đến doanh nghiệp. “Ở nước ta hay có câu chuyện, sau khi xảy ra sự vụ mới trở lại để tìm hiểu. Tôi nghĩ, khi đã sử dụng cơ chế công khai, trừ những thứ quy định cấm, bí mật nhà nước, còn lại phần lớn đều có thể công khai”. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.

Do đó, cần phải thay đổi cơ chế quản lý, chuyển từ cơ chế quản lý tuân thủ quy trình, cầm tay chỉ việc sang quản lý theo kết quả đầu ra. Tức là không nhất thiết phải tuân thủ quy trình như thế nhưng kết quả đạt được mục tiêu thì sẽ được ghi nhận.

Và để muốn chứng minh làm ra kết quả đầu ra như thế, tôi bỏ qua các quy trình, nhưng tôi không có yếu tố cá nhân, không tư lợi, thì phải công khai, minh bạch quá trình đó.

Như vậy, công khai, minh bạch hóa là điều cần thiết để giúp tránh được những sai phạm mà đôi khi bản thân người làm có khi không biết đó là sai phạm. Nhưng nếu công khai, có thể người dân, chuyên gia, những người khác nhìn vào, chỉ ra điểm chưa phù hợp để ngăn chặn trước.

Nhưng đồng thời cũng buộc những người thực hiện phải có trách nhiệm giải trình, tại sao lại làm như thế thì người dân mới biết, mới có ý kiến để kiểm tra, giám sát, chất vấn.

Ông Cường cho biết: "Ở các nước hay nói một câu: “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình”, đây là điều là quan trọng nhất trong quản lý. Nhiều khi tuân thủ đúng quy định, quy trình nhưng kết quả chưa chắc đã tốt, thậm chí vẫn xảy ra những sai phạm như những vụ việc vừa qua. Với vụ Việt Á, tôi nghĩ rằng trong bối cảnh dịch bệnh cho phép được chỉ định thầu, người ta vẫn thực hiện chỉ định thầu chứ không phải làm sai quy định và vẫn có các cơ quan định giá trị của kit test đó bao nhiêu. Các ban, ngành như Bộ Y tế, Bộ Tài chính tham gia cùng chứ không phải chỉ có một cá nhân đứng ra tự quyết. Điều đó cho thấy vẫn có đầy đủ ban bệ, các quy trình, chỉ có điều kết quả cho ra không như mong muốn".

Trả lời câu hỏi các địa phương, CDC các tỉnh có biết giá gốc ban đầu kit test Việt Á nhập về chỉ chưa tới 1 USD? Ông Cường cho rằng, tất nhiên không thể nói rằng người ta mua như thế là không biết đắt hay rẻ. Bởi vì mua hàng xong mà đã nhận tiền “hối lộ”, “quà biếu”, “lót tay”… thì rõ ràng đó là hành vi không đúng vi phạm pháp luật. Người ta không thể nói rằng oan. Cho nên, khi các cơ quan pháp luật kết luận và khẳng định phạm tội là đúng.

Nhưng nếu như công khai, minh bạch giá nhập 0,9 USD/chiếc, không ai có thể bán với giá hơn 400.000 đồng/chiếc. Nếu công bố giá đó, chắc rất nhiều tập đoàn, công ty khác sẽ nhập vào bán với giá cạnh tranh, sẽ không có chuyện độc quyền của Việt Á được. Như thế mới phải công khai, đưa ra giá nào của mặt hàng nào. Chẳng hạn như test nhanh là 0,955 USD thì giá bán là bao nhiêu. Nếu công bố công khai, không bao giờ có chuyện để cho một ông được quyền bán với giá cao như thế.

Trong quy định về định giá đều yêu cầu công khai giá đầu vào để có căn cứ chứ không phải không có. Nhưng hiện nay lại không bắt buộc đơn vị nhập về, đơn vị quản lý nhà nước phải công bố công khai.

Ông Hoàng Văn Cường cho hay, nếu hải quan công khai thông tin hàng chuyến, hàng tháng Việt Á đã nhập kit xét nghiệm từ Trung Quốc về với giá 0,955 USD/kit thì chắc chắn không để CDC các địa phươngphải mua giá như vậy.

“Và một điều cần phải chỉ rõ là giả sử doanh nghiệp lừa dối, bưng bít thông tin, cơ quan định giá nhà nước cũng không biết, phải mua với giá đắt, mua xong rồi ông đừng nhận tiền hối lộ, quà biếu đó thì không sao.

Ngược lại, ông lại nhận tiền hối lộ, quà biếu chứng tỏ là đã có chia chác, lợi ích nhóm vấn đề ở chỗ đó. Còn nếu như thực sự trong sạch, trong trường hợp cấp bách cần mua mà nhầm giá cao do không biết và thực sự đó là những sai lầm ngẫu nhiên, tôi nghĩ cũng chẳng ai xử lý đến mức phải đi tù”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Chắc chắn rằng phải có định giá, không thể có chuyện Nhà nước đã quyết định mua hàng mà không có định giá. Có thể bản thân các cơ quan định giá đó chưa làm tròn nhiệm vụ hoặc thông tin của người cung cấp liệu chưa đúng. Ví như khi nhập hàng về lại trình hóa đơn giả, còn khi Nhà nước đặt hàng, bao giờ cũng phải định giá.

Thực ra quy trình sinh ra có rất nhiều đơn vị độc lập rồi. Ví như khi quyết định mua hàng phải có đơn vị tư vấn định giá độc lập, sau đó lại có đơn vị thẩm định lại việc đó… để đưa ra giá đúng nhất.

Hay đấu thầu thì mỗi đơn vị lập lên một hồ sơ để yêu cầu về sản phẩm, hàng hóa cần mua, có đơn vị thẩm định hồ sơ một cách khách quan hay không?. Như vậy, luôn luôn có những bộ phận để nhìn chéo với nhau.

Có những quy trình như thế để đảm bảo không để tự quyết định và có kiểm soát lẫn nhau. Tuy nhiên, đôi khi những người này lại không độc lập mà cố tình bắt tay với nhau thì có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.

Công khai, minh bạch có chủ đích

Việc cơ quan điều tra khởi tố bị can ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ trang thiết bị Bộ Y tế để điều tra về những sai phạm liên quan trong vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 của lãnh đạo Công ty Việt Á. Một chi tiết đáng lưu ý là ông Nguyễn Minh Tuấn ký gửi Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, giấy phép, khả năng cung ứng và giá bán test xét nghiệm, vật tư do các đơn vị cung ứng công bố, Bộ Y tế đã giới thiệu bộ kit test Việt Á ở vị trí số 1, với khả năng cung ứng 3 triệu kit test/tháng, giá 470.000 đồng/kit test. Đây là một trong số văn bản của Bộ Y tế gửi các tỉnh, thành cập nhật danh mục và giá kit test, vật tư y tế. Trong đó, giá kit test PCR LightPower của Việt Á luôn là 470.000 đồng/kit test.

Giá bộ kit test của công ty Việt Á cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm của các doanh nghiệp khác, thậm chí gấp 2, 3 lần sản phẩm nhập khẩu - Ảnh: Chinhphu.vn 

Bộ Y tế cho biết: Theo quy định của Luật Giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Bộ Y tế đã hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế và công khai kết quả trúng thầu.

“Cùng thời điểm Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty cổ phần Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP có giá 385.000 đồng/sản phẩm, Công ty Ampharco U.S.A có giá 179.800 đồng/sản phẩm; có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá từ 280.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm.

Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện"- thông tin từ Bộ Y tế cho biết.

Như vậy, mức giá đề xuất của Công ty Việt Á cao hơn gấp nhiều lần so với sản phẩm của các doanh nghiệp khác, thậm chí gấp 2, 3 lần sản phẩm nhập khẩu. Nếu không có sự “hậu thuẫn” từ Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc tạo dựng hình ảnh thương hiệu và sản phẩm cho Việt Á, Công ty này không thể đẩy mức giá sản phẩm lên quá cao so với thực tế mà vẫn trúng thầu hàng trăm dự án từ Bắc tới Nam.

Việc chấp thuận của Bộ Y tế đối với mức giá cao đến phi lý của Việt Á không chỉ giúp doanh nghiệp này trục lợi mà vô hình trung cũng tác động xấu đến thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác cũng đẩy giá sản phẩm của họ cao hơn giá trị thực sự.

Vụ Việt Á cũng là một vụ điển hình về lợi ích nhóm. Theo cơ quan điều tra, quá trình thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2020” được ông Chu Ngọc Anh khi còn là Bộ trưởng KH&CN phê duyệt vào tháng 2/2020, một số lãnh đạo bộ, ngành đã có sai phạm trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá nghiệm thu, chuyển giao… Trục quan hệ giữa Việt Á, Bộ KH&CN, Học viện Quân y, Bộ Y tế và một số đơn vị địa phương là khá rõ và đây cũng chính là trục lợi ích nhóm của một loạt cá nhân có chức vụ lãnh đạo, quản lý liên quan.

Theo dangcongsan.vn

 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày