Chủ nhật, 28/04/2024, 22:54[GMT+7]

Làm giàu từ cây dược liệu

Thứ 2, 24/10/2022 | 19:38:47
1,559 lượt xem
Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất đai, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, phá thế độc canh cây lúa, nông dân xã Thống Nhất (Hưng Hà) đang từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho mình về cây dược liệu.

Ông Nguyễn Văn Sáu, thôn An Mai, xã Thống Nhất (Hưng Hà) thu nhập cao từ trồng cây ngưu tất.

Nhiều nông dân cho rằng trồng cây dược liệu khó nhưng với ông Nguyễn Văn Sáu, thôn An Mai, trồng cây dược liệu đã trở thành công việc dễ dàng và cho nguồn thu nhập cao. Gần 60 tuổi thì có đến hơn 30 năm ông Sáu bám đồng, bám ruộng, gắn bó với cây ngưu tất. Hơn 2 mẫu ruộng gồm cả ruộng chuyển đổi của gia đình và ruộng khoán của những người không có nhu cầu canh tác ông đã tích tụ trồng cây ngưu tất. Cứ độ tháng 9 âm lịch, ông Sáu xuống giống, sau 4 tháng cho thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/sào.

Là một lão nông tri điền, trồng cây ngưu tất từ khi biết làm ruộng, với ông Nguyễn Văn Nghĩa, cây ngưu tất nói riêng, cây dược liệu nói chung cần làm luống cao, thoát nước nhanh khi có mưa, đất nhỏ và tơi. Để thuận lợi cho trồng cây ngưu tất, nâng cao năng suất lao động, ông Nghĩa đã đầu tư mua máy làm đất. Vào thời vụ, ông thuê thêm nhân công để làm. Năm nào cũng vậy, gia đình ông trồng 1,5 mẫu ngưu tất. Theo kinh nghiệm của ông Nghĩa: Để cây ngưu tất phát triển tốt và đạt chất lượng củ thì thời vụ bắt đầu vào trung tuần tháng 9 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa mùa, trồng sang tháng 10 âm lịch sẽ lệch trục lịch thời vụ, chất lượng và năng suất sẽ giảm.

Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất cho biết: Cây ngưu tất và cây dược liệu như cà gai, bạch chỉ, ích mẫu, sạ đen, cổ sâm, lá khôi, hòe, bồ công anh đã có chỗ đứng trên đồng đất Thống Nhất, tập trung tại các thôn An Mai, An Đình, An Khoái, mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích canh tác. Giá trị thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa. Riêng cây ngưu tất đạt 8 - 9 triệu đồng/sào, cao lên đến 12 triệu đồng/sào. Sản phẩm được thương lái thu mua tận ruộng. Để tạo thuận lợi cho phát triển, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, xã đã quy vùng sản xuất, khuyến khích các hộ mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Hội Nông dân phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tín chấp, cung ứng phân bón cho nông dân theo phương thức trả chậm.

Đang vào vụ trồng cây dược liệu, về xã Thống Nhất mới thấy được không khí lao động khẩn trương, hăng say của những người nông dân gắn bó với ruộng đồng, khai thác tối đa tiềm năng làm giàu từ đất, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho cây dược liệu.

Trúc Lành
(Đài TTTH Hưng Hà)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày