Thứ 3, 18/06/2024, 03:18[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển

Thứ 5, 03/11/2022 | 08:17:36
1,491 lượt xem
Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã tích cực triển khai công tác CĐS, bước đầu có những chuyển biến tích cực.

Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor, cụm công nghiệp Đông Hải (Quỳnh Phụ) đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm.

Mục tiêu CĐS tập trung vào 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Quỳnh Phụ xác định, để thực hiện được mục tiêu này cần phải đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân. Vì vậy, huyện tập trung ưu tiên CĐS vào các lĩnh vực: Hành chính công, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo.

Trong lĩnh vực hành chính công, chính quyền số, huyện tập trung đẩy mạnh để đưa các hoạt động của chính quyền từ huyện đến xã lên môi trường số, vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Đến nay, huyện đã đưa vào sử dụng hệ thống giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 giúp người dân thuận tiện hơn trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, trong quý III/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ của Quỳnh Phụ đạt 68,6%; hồ sơ xử lý trực tuyến so với tổng số hồ sơ đạt 92,2% (mục tiêu năm 2022 là 50%); văn bản điện tử ký số đạt 100% (mục tiêu năm 2022 đạt 80%); văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân các đồng chí lãnh đạo của huyện đạt 71,1% (mục tiêu năm 2022 là 50%)...

Trong lĩnh vực kinh tế số, trước yêu ngày càng cao của khách hàng về mẫu mã và chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã đầu tư dây chuyền hiện đại, giảm sức lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Điển hình, tại Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor (cụm công nghiệp Đông Hải), toàn bộ 2 nhà máy nhưng mỗi ca sản xuất chỉ có hơn 20 công nhân bởi các dây chuyền đều sử dụng máy móc hiện đại. Ông Nguyễn Văn Thi, Giám đốc sản xuất Công ty cho biết: Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bước vào thời kỳ số hóa, thay vì sử dụng sức người mọi hoạt động đều dựa trên máy móc với độ chính xác cao. Ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty chúng tôi đã xác định việc ứng dụng công nghệ sẽ được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Công ty đầu tư hàng trăm tỷ đồng mua sắm dây chuyền hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề phù hợp với từng dây chuyền sản xuất để giảm chi phí về nhân công, tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm.

Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm truyền thống như bánh đa Đông Hải, chủ cơ sở đã lập website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thuận lợi cho việc giao dịch. Nhờ CĐS đồng bộ và kịp thời đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện. 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất của Quỳnh Phụ tăng 8,42% so với cùng kỳ năm 2021; công nghiệp, xây dựng tăng 9,92%; thương mại, dịch vụ tăng 8,12% so với cùng kỳ...

Cùng với chính quyền số, kinh tế số, vấn đề về nhân lực số và xã hội số cũng được huyện quan tâm, chú trọng. Về nhân lực số, đến nay toàn huyện đã thành lập 37/37 tổ công nghệ số cộng đồng ở các xã, thị trấn và hầu hết tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với hàng trăm thành viên. Về xã hội số, người dân đã sử dụng tiện ích từ mạng internet trong việc học tập trực tuyến, giải trí trực tuyến cũng như sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt. Quỳnh Phụ là huyện đi đầu trong việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ. Tại một số chợ như chợ thị trấn Quỳnh Côi, chợ thị trấn An Bài, các dịch vụ thanh toán của chủ hộ kinh doanh cũng như người dân đến mua sắm đều thông qua quét mã QR hoặc chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money.

Theo ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, để công tác CĐS thực sự đi vào cuộc sống, làm chuyển đổi mọi mặt của đời sống xã hội, trên tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TU, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh sự vào cuộc tích cực, một số địa  phương vẫn chưa quyết liệt trong triển khai CĐS, thể hiện ở việc chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử; nhiều lãnh đạo, công chức chưa sử dụng thường xuyên mạng văn phòng liên thông; cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị phục vụ CĐS chưa được đầu tư nâng cấp...

Trường Tiểu học và THCS An Thái (Quỳnh Phụ) đầu tư trang bị thiết bị dạy học đồng bộ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Thời gian tới, Quỳnh Phụ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của tỉnh về CĐS; phát huy vai trò của người đứng đầu trong CĐS. Bên cạnh đó, quan tâm hoàn thiện cơ chế gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ CĐS cũng như huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu CĐS.

Nguyễn Cường