Thứ 5, 31/10/2024, 07:28[GMT+7]

Chuyển đổi số ngành y tế

Thứ 3, 06/12/2022 | 22:25:32
2,184 lượt xem
Bắt nhịp cùng các ngành, địa phương, đơn vị, các cơ sở y tế trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) vào hoạt động quản lý và khám chữa bệnh. Hoạt động này đã giúp các cơ sở y tế tiết kiệm thời gian, nhân lực, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Lợi ích kép từ chuyển đổi số
Bị đau bụng, chị Đặng Thị Phương Mai, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình để khám bệnh. Chỉ với căn cước công dân có gắn chíp, rất nhanh chị đã đăng ký xong thủ tục khám bệnh. Chị Mai chia sẻ: Trước kia khi chưa ứng dụng CNTT, đi khám bệnh phải chờ lấy số rất lâu. Thế nhưng từ khi Bệnh viện đẩy mạnh ứng dụng CNTT, việc đăng ký khám, lấy số và thanh toán rất nhanh gọn, thuận tiện, giảm nhiều thủ tục. Người bệnh rất hài lòng.

Là bệnh viện tư nhân, xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình đã xây dựng nhiều hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT trong quản lý các hoạt động, từng bước tiến tới CĐS trong mọi hoạt động của bệnh viện. Anh Nguyễn Ngọc Hà, tổ trưởng tổ công nghệ thông tin, Phòng Tổ chức hành chính, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình chia sẻ: Chúng tôi đã xây dựng nhiều phần mềm như hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân (HIS); hệ thống quản lý kết quả cận lâm sàng (RIS); hệ thống kết nối tự động máy xét nghiệm 2 chiều (LIS); hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS)... Cụ thể, với phần mềm RIS, khi bệnh nhân cần thực hiện các xét nghiệm, mỗi lần xét nghiệm bệnh nhân sẽ được cấp 1 mã vạch. Khi đặt mã vạch, máy sẽ tự động lấy các chỉ định của bác sĩ để chạy xét nghiệm. Sau đó kết quả sẽ cập nhật lên phần mềm. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, cán bộ, nhân viên y tế không phải cập nhật lại, tránh sai sót. Đối với hệ thống PACS, khi bệnh nhân chụp cắt lớp, siêu âm, cộng hưởng từ... kỹ thuật viên sẽ đẩy lên máy tính, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện có thể xem kết quả. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy hình ảnh qua hệ thống internet, bệnh nhân có thể căn cứ kết quả cận lâm sàng, dựa vào mã vạch đã cấp, các bác sĩ ở bệnh viện khác có thể xem lịch sử khám chữa bệnh. Các phần mềm được xây dựng đều đã qua khảo sát của các bác sĩ, sát với nhu cầu của người dùng hơn, phục vụ hiệu quả công việc hàng ngày.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành từ lâu được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, Bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp ứng dụng CNTT nhằm từng bước CĐS để phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Bác sĩ Nguyễn Viết Kình, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: Khi vào đăng ký khám chữa bệnh, nhờ phần mềm VssID và gần đây là thẻ căn cước công dân gắn chíp, người dân có nhiều thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi khi đến khám chữa bệnh. Trong hoạt động chuyên môn, Bệnh viện cũng đã sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng sử dụng phần mềm PACS truyền hình ảnh, dữ liệu giữa các khoa, phòng, các bệnh viện tuyến trên. Điều này rất thuận lợi trong chỉ đạo tuyến khi đưa ra các hội chẩn, chỉ đạo điều trị cho người bệnh. Từ nay đến cuối năm, khi hoàn thành hết các thủ tục Bệnh viện sẽ triển khai chữ ký số. Sau đó tiến tới việc thanh toán không dùng tiền mặt trong đơn vị cũng như thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa để người dân khám chữa bệnh thuận lợi nhất.  

CĐS được xem là giải pháp hiệu quả không chỉ thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người khám mà còn giúp cán bộ, nhân viên y tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Điều dưỡng trưởng Trần Thị Thu Thủy, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ chia sẻ: Trước đây, khi sử dụng bệnh án giấy, chúng tôi mất nhiều thời gian cho việc ghi chép, ghi giấy, dán giấy, tìm hồ sơ... nhưng từ khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử việc tìm bệnh án tiện lợi, nhanh chóng. Bác sĩ cập nhật đến đâu, điều dưỡng chúng tôi có thể nắm bắt và thực hiện y lệnh nhanh hơn, chính xác, kịp thời hơn. Trong quá trình tìm kiếm cũng thuận tiện, lưu trữ trên hệ thống, có thể biết được bệnh lý của người bệnh từng khám ở các bệnh viện khác.

Người dân được hướng dẫn thủ tục đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa Thái Bình.

Lộ trình chuyển đổi số trong giai đoạn tới
CĐS y tế là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu về CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong các hoạt động, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo CĐS. Qua thống kê, 29/29 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, tư nhân trong tỉnh đã sử dụng phần mềm HIS; 11/29 bệnh viện bắt đầu triển khai phần mềm quản lý bệnh viện; 10/29 bệnh viện triển khai hệ thống RIS, PACS. Bên cạnh đó, 28/29 bệnh viện sử dụng phần mềm kế toán và hóa đơn điện tử; 22/29 bệnh viện sử dụng phần mềm xếp hàng gọi bệnh nhân... Toàn ngành hiện có gần 140 cán bộ có trình độ chuyên môn về CNTT. Thực hiện hoạt động khám chữa bệnh từ xa, một số bệnh viện đã tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, kết nối và trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, hạ tầng CNTT của các cơ sở y tế chỉ mới đáp ứng được ở mức 1 theo Thông tư số 54/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, trang thiết bị CNTT còn thiếu; các phần mềm, cơ sở dữ liệu, định dạng dữ liệu chưa đồng nhất giữa các đơn vị...

Tiếp tục thực hiện CĐS, thời gian tới ngành y tế đề ra các nhiệm vụ cụ thể: Triển khai bệnh án điện tử tiến tới không dùng hồ sơ bệnh án giấy, thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai các nền tảng: quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập, tư nhân trên địa bàn tỉnh; quản lý xét nghiệm; quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và hồ sơ sức khỏe cá nhân cũng như hỗ trợ tư vấn sức khỏe trực tuyến. Đối với việc triển khai y tế thông minh sẽ xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên nền tảng công nghệ số; thúc đẩy khám chữa bệnh từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân để người dân có thể tiếp xúc với bác sĩ nhanh, hiệu quả. Bên cạnh đó, triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng và giám sát dịch bệnh.

Hoàng Lanh