Thứ 6, 22/11/2024, 09:24[GMT+7]

Vĩnh Phúc: Dấu ấn đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo

Thứ 6, 16/12/2022 | 13:58:43
3,108 lượt xem
Năm 2022 ghi nhận tinh thần đổi mới quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên mọi lĩnh vực công tác của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Nhờ đó, tỉnh đạt được những thành tựu to lớn trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng đạt dấu mốc mới, tăng cường thế và lực để bứt phá phát triển.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trao đổi với cán bộ, đảng viên tại lễ ra mắt Chi bộ Công ty TNHH Compal (Việt Nam).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc luôn bám sát các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Trung ương, nhất là các nội dung, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Ban Thường vụ Tỉnh ủy không ngừng tìm tòi đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị. Trong đó, việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và đánh giá cán bộ đạt được những kết quả rõ nét.

Lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả

Sau khi tiến hành thí điểm giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho người đứng đầu một số sở, ngành, địa phương năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đúc kết kinh nghiệm, xác định rõ hơn các chỉ tiêu, phương pháp đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Sang năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đối với 43 người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị. Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị trong tỉnh giao nhiệm vụ cho cấp phó của người đứng đầu, các bộ phận và đơn vị trực thuộc.

Để phương thức lãnh đạo mới đi vào cuộc sống, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức các hội nghị quán triệt đến người đứng đầu các đơn vị trực thuộc tỉnh, đồng thời tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.


Phương thức giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đã tác động mạnh, toàn diện đến toàn bộ hệ thống chính trị, tạo áp lực cần thiết đối với đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội.
 


Sau gần hai năm thực hiện chủ trương này, tất cả các ngành, các cấp hoạt động hiệu quả hơn, tạo hiệu ứng tích cực đối với doanh nghiệp, người dân và các tổ chức khác. Phương thức giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đã tác động mạnh, toàn diện đến toàn bộ hệ thống chính trị, tạo áp lực cần thiết đối với đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội.

Nhiều sở, ngành, địa phương có những cách làm sáng tạo, đột phá làm tình hình thay đổi rõ rệt, tháo gỡ được những điểm nghẽn tích tụ nhiều năm nay. Các đồng chí lãnh đạo sở, huyện, thành phố cùng chung nhận định: Cách thức giao việc cụ thể, gắn với đôn đốc, kiểm tra của tỉnh tạo thuận lợi rất lớn cho ngành, địa phương triển khai công việc.

Người đứng đầu có thêm công cụ để đánh giá cán bộ sát với thực tế, từ đó ghi nhận những cán bộ làm được việc, phân công lại nhiệm vụ, thay thế, điều chuyển những cán bộ yếu kém, làm việc chưa hết trách nhiệm.

Từ sự cố gắng đó, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ khó khăn được hoàn thành, như phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, xử lý vi phạm đất đai, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài, giải phóng mặt bằng. Với nỗ lực vượt trội, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành công trong kiểm soát dịch Covid-19, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đều đạt kết quả rất ấn tượng. Có thể khẳng định, quy định đánh giá cán bộ bằng sản phẩm là minh chứng rõ nét nhất của việc đổi mới quyết liệt, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc trong hai năm qua.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý cán bộ vi phạm

Tại Vĩnh Phúc, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý tổ chức đảng và cán bộ vi phạm là một điểm nhấn của nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh việc tập trung khắc phục những khuyết điểm, bất cập, hạn chế theo gợi ý kiểm điểm của Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công tác kiểm tra, giám sát của tỉnh được tăng cường cả chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập các đoàn, tổ công tác kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, vấn đề quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh như công tác tổ chức cán bộ; các dự án phát triển đô thị; quản lý đầu tư và đấu thầu; xử lý vi phạm đất đai và gần đây thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện đầu tư công. Công tác kiểm tra, giám sát góp phần làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của từng ngành, lĩnh vực và của mỗi cán bộ trong từng giai đoạn.

Đối với những vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, cơ quan quản lý nhà nước từ cấp xã trở lên phải tổ chức kiểm điểm. Đối tượng kiểm điểm gồm một số cán bộ đã nghỉ hưu nhằm làm rõ trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, điều hành. Nhìn chung, việc tổ chức kiểm điểm của các tổ chức đảng, các cơ quan diễn ra nghiêm túc, thẳng thắn, nêu bật được nguyên nhân của những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế.

Thông qua các cuộc kiểm tra và đợt kiểm điểm trong năm 2022, Thường trực Tỉnh ủy xác định được những lỗi cơ bản trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đối với một số lĩnh vực quan trọng, phức tạp như quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở; quản lý đầu tư, tài chính-ngân sách và đấu thầu. Những lỗi đó được tổng hợp thành văn bản, gửi các cơ quan, địa phương, đơn vị để cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm rõ, tránh được sai sót sau này.

Tới đây, trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với mỗi vụ việc, các cơ quan, đơn vị phải đưa ra được các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục các khuyết điểm, vi phạm được nêu ra.

Trong bối cảnh toàn tỉnh một lòng hướng về phía trước, quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, thì việc xử lý kỷ luật cán bộ là cần thiết để bảo đảm thực hiện các mục tiêu chung.

Đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xử lý kỷ luật một tổ chức và bảy cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật hai tổ chức và năm đảng viên. Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện thi hành kỷ luật ba tổ chức và 31 đảng viên diện ban thường vụ quản lý.

Qua kiểm tra, kiểm điểm, nhiều cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những hạn chế, khuyết điểm của bản thân và đề ra biện pháp khắc phục. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở tự nguyện viết đơn xin về hưu sớm vì thấy bản thân không đủ năng lực, uy tín để tiếp tục làm việc. Đó là tín hiệu ban đầu của “văn hóa từ chức” tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Những cột mốc kinh tế-xã hội mới

Trên đây là những giải pháp chính trị cơ bản tạo nên sự thay đổi lớn về nhận thức, phương pháp và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm cả dài hạn và ngắn hạn nhằm ứng phó linh hoạt với tình hình. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy và sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các tổ chức trong hệ thống chính trị, năm 2022. Vĩnh Phúc đạt tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách cao hơn hẳn các năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,54% so với năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay.


Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,54% so với năm 2021, mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2014 đến nay.


Quy mô nền kinh tế ước đạt hơn 165,5 nghìn tỷ đồng, thuộc tốp 15 tỉnh có quy mô cao nhất cả nước. Tỷ trọng khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 64,22%, khu vực dịch vụ 29,2% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,58%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 127,8 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 35.700 tỷ đồng, phấn đấu đến hết năm thu ngân sách hơn 37.000 tỷ đồng.

Năm nay, toàn tỉnh tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bảo đảm các chuỗi cung ứng. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc đứng thứ 5 trong toàn quốc, tăng 24 bậc so với năm trước, chỉ số cải cách hành chính đứng thứ 5 toàn quốc, tăng 10 bậc so với năm 2021.

Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trung học phổ thông, tỉnh Vĩnh Phúc đứng thứ ba cả nước. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 có điểm trung bình các môn thi xếp thứ hai toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,97%, cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều công trình giao thông, y tế trọng điểm được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt cả trong và sau dịch Covid-19. Hoạt động văn hóa diễn ra hết sức sôi động. Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch quốc gia, thị trấn Tam Đảo được vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới.

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc thành công trên mọi phương diện công tác, đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung cao độ thực hiện quyết liệt năm nhiệm vụ trọng tâm và ba khâu đột phá nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo đà bứt phá ngay trong những năm còn lại của nhiệm kỳ.


Ước năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút được 453 triệu USD vốn FDI và 12.500 tỷ đồng vốn DDI. Lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 1.286 dự án, trong đó, 450 dự án FDI có tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125.000 tỷ đồng.


Theo nhandan.vn