Thứ 6, 29/03/2024, 14:38[GMT+7]

Để trẻ em khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng

Thứ 5, 22/12/2022 | 22:12:38
4,119 lượt xem
Ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1438/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng giai đoạn 2018 - 2025. Ngay khi Quyết định số 1438/QĐ-TTg có hiệu lực, UBND tỉnh đã có kế hoạch cụ thể nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với mục tiêu quan tâm, chăm lo hơn nữa để trẻ em khuyết tật có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Giờ học thể dục của học sinh Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5.485 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 4.353 trẻ em khuyết tật. Thực hiện Quyết định số 1438/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND, ngày 14/2/2020 về việc thực hiện đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Việc thực hiện đề án đã tác động tích cực, góp phần chuyển biến nhận thức và hành động của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và thực hiện quyền của trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật. Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 90% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 70% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Phấn đấu 6/8 huyện, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng và thí điểm các mô hình dịch vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật.

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; các chính sách cho trẻ em khuyết tật và hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ tại cộng đồng thông qua các hình thức như triển khai chiến dịch truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; sản xuất tài liệu liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ngành lao động - thương binh và xã hội, cán bộ các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cộng tác viên, tình nguyện viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khuyết tật và trẻ em khuyết tật về các quy định chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và đối với trẻ em khuyết tật nói riêng. Hướng dẫn thực hiện xác nhận dạng tật, mức độ khuyết tật, xét duyệt trợ cấp xã hội hàng tháng; cấp thẻ bảo hiểm y tế, thẻ xe buýt miễn phí cho trẻ em khuyết tật; miễn, giảm học phí cho học sinh khuyết tật và các chính sách khác có liên quan đến trẻ em khuyết tật theo quy định thuộc trách nhiệm của ngành. Chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện có chất lượng việc cung cấp các dịch vụ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật, đặc biệt các cơ sở cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học tập...

Xã Đông Quan và xã Phú Lương (Đông Hưng) là hai địa phương đang thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Qua triển khai mô hình đã nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng tránh tai nạn thương tích, phòng tránh xâm hại trẻ em đồng thời giúp nhân dân địa phương hiểu biết hơn về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật, đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em khuyết tật được trang bị kỹ năng hòa nhập tại cộng đồng, giảm sự phân biệt, đối xử kỳ thị, mặc cảm, tự ti. Tăng cường sự hỗ trợ, quan tâm của địa phương về y tế, giáo dục đối với trẻ khuyết tật, qua đó giúp các em có điều kiện học tập, vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.353 trẻ em khuyết tật, trong đó có 3.414 trẻ em khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, ngày 15/3/2021 của Chính phủ. Ngoài số trẻ em dưới 6 tuổi, tất cả trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng và nặng là đối tượng bảo trợ xã hội đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định. Các cơ sở y tế đều có chế độ ưu tiên cho người khuyết tật khi khám chữa bệnh, trong đó có trẻ em. Hiện nay, tỉnh Thái Bình có 2 hình thức giáo dục cho trẻ khuyết tật là giáo dục hòa nhập và giáo dục chuyên biệt. Ngoài ra, còn một số cơ sở ngoài công lập tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc và dạy trẻ khuyết tật do UBND các huyện, thành phố quản lý. Qua đó, góp phần giúp trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, phục hồi chức năng, nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng.

Theo ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn như: các trung tâm bảo trợ xã hội, trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật ít, trang thiết bị thiếu. Đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức về chăm sóc, giáo dục trẻ em khuyết tật để nâng cao chất lượng học tập của trẻ. Vì vậy, để đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng được triển khai hiệu quả thì cần nhận được sự quan tâm, trợ giúp nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Có như vậy, trẻ em khuyết tật mới có cuộc sống ngày càng tốt hơn, tự tin vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Dạy văn hóa cho học sinh khuyết tật.

Đỗ Hồng Gia

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày