Thứ 6, 27/12/2024, 05:18[GMT+7]

Thách thức về mất an ninh lương thực toàn cầu

Thứ 6, 30/12/2022 | 11:36:58
2,654 lượt xem
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định, trong bối cảnh suy thoái toàn cầu có thể diễn ra, ưu tiên hàng đầu của WTO là giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực và tìm cách cung cấp thực phẩm cho các nhóm dân cư nghèo nhất của thế giới. Các tổ chức quốc tế và các nước, các khu vực đang nỗ lực phối hợp nhằm hạ nhiệt giá lương thực và ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng trên các thị trường lương thực, thực phẩm, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và WTO đã kêu gọi hành động khẩn cấp giải quyết an ninh lương thực toàn cầu. Theo WFP, số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng lên hơn 345 triệu ở 82 quốc gia. Theo các ước tính riêng về cung-cầu ngũ cốc, FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 xuống 2,756 tỷ tấn so với mức dự báo 2,764 tỷ tấn đưa ra hồi tháng trước. Dự báo này thấp hơn 2% so với sản lượng ước tính trong cả năm 2021 và đánh dấu mức thấp nhất trong vòng ba năm qua. FAO cảnh báo, chi phí nhập khẩu lương thực dự kiến cao kỷ lục trong năm 2022 sẽ khiến các nước nghèo nhất cắt giảm khối lượng nhập khẩu mặt hàng này.

Với sự vào cuộc của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực hợp tác của các quốc gia, khu vực nhằm tăng nguồn cung và giảm giá lương thực, cuộc khủng hoảng lương thực phần nào đã hạ nhiệt. Chỉ số giá lương thực thế giới đã giảm nhẹ trong tháng 11, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp kể từ mức cao kỷ lục hồi tháng 3 năm nay sau khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. FAO mới đây thông báo, chỉ số giá lương thực thế giới trung bình trong tháng 11 vừa qua là 135,7 điểm, giảm so với mức 135,9 điểm hồi tháng 10. Chỉ số này hiện chỉ nhỉnh hơn 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn ở mức cao trong lịch sử sau khi chạm mốc đỉnh điểm trong mười năm qua vào năm 2021.

Cải thiện tính bền vững của nông nghiệp và thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật hiện đại được coi là nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh lương thực. Là một trong những khu vực chịu tác động mạnh của tình trạng gián đoạn nguồn cung ngũ cốc do cuộc xung đột Ukraine, châu Âu tìm cách tăng cường bảo đảm an ninh lương thực.

Bộ trưởng nông nghiệp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí rằng, khối này cần phải phối hợp hành động để tối đa hóa sự gia tăng bền vững trong sản xuất nông nghiệp và đẩy nhanh việc ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong nông nghiệp. Một trong những giải pháp cốt lõi để sản xuất đủ lương thực mà vẫn bảo đảm tính bền vững là ứng dụng các công nghệ nghiên cứu, đổi mới và hiện đại, trong đó bao gồm cả phương thức canh tác chính xác, nhằm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.

Ủy ban châu Âu (EC) đã "bật đèn xanh" cho việc gia hạn quyết định tạm dừng thực hiện các quy định liên quan môi trường đối với đất bỏ hoang và luân canh cây trồng vào năm 2023, qua đó tạo điều kiện để nông dân 27 thành viên EU tăng cường sản xuất ngũ cốc. Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, quyết định này nhằm tối đa hóa năng lực sản xuất ngũ cốc của EU và ước tính sẽ cho phép trồng lại cây trên tổng diện tích đất 1,5 triệu héc-ta. EC nhấn mạnh, mỗi tấn ngũ cốc được sản xuất tại EU sẽ góp phần tăng cường an ninh lương thực toàn cầu.

FAO mới đây đã tổ chức lễ công bố chính thức ấn phẩm "Tương lai của nông nghiệp và lương thực - Các động lực và tác nhân kích hoạt chuyển đổi" (FOFA-DTT), tập trung vào những hành động cần thiết và cấp bách để chuyển đổi các hệ thống nông lương theo hướng bền vững. Theo FAO, nhiều mục tiêu phát triển bền vững (SDG) hiện đang chệch hướng và sẽ chỉ đạt được nếu các hệ thống nông lương được chuyển đổi phù hợp để chống chọi với những thách thức toàn cầu đang diễn ra.

Đến năm 2050, dự kiến thế giới sẽ có 10 tỷ người và đây sẽ là một thách thức chưa từng có đối với vấn đề an ninh lương thực nếu không có những nỗ lực đáng kể để đảo ngược xu hướng hiện tại. Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói và hơn 3 tỷ người không có khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh.

Trong khi đó, các xu hướng như gia tăng dân số và đô thị hóa, bất ổn kinh tế vĩ mô, nghèo đói và bất bình đẳng, căng thẳng và xung đột địa chính trị, cạnh tranh gay gắt hơn đối với tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu đang tàn phá các hệ thống kinh tế xã hội và hủy hoại hệ thống môi trường.

Việc chuyển đổi các hệ thống lương thực, thực phẩm hướng tới bền vững hơn là vô cùng quan trọng, được coi là "chìa khóa" bảo đảm an ninh lương thực. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ, người tiêu dùng, doanh nghiệp, giới học giả và cộng đồng quốc tế cần hành động ngay bây giờ để việc chuyển đổi toàn diện các hệ thống nông lương khả thi và có thể mang lại thay đổi bền vững lâu dài.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày