Thứ 6, 27/12/2024, 00:01[GMT+7]

Chống tham nhũng, tiêu cực góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội

Thứ 4, 04/01/2023 | 12:43:05
2,152 lượt xem
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ nhằm làm trong sạch đội ngũ, bảo vệ Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên nhiều mặt.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thảo luận, cho ý kiến về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh minh họa: Đăng Khoa)

Trên phạm vi thế giới, tham nhũng, tiêu cực gây tác hại nghiêm trọng ở những nước đang phát triển. Về mặt chính trị, tham nhũng làm mục ruỗng các thể chế. Về mặt kinh tế, nó ăn bám nền kinh tế, gây ra những tổn thất to lớn nhưng khó xác định, làm tăng tình trạng nợ nần và bần cùng của đất nước. Về mặt xã hội, tham nhũng tập trung quyền lực và của cải vào tay những kẻ giàu có, có thế lực. Tham nhũng gây ra nhiều chi phí tốn kém về kinh tế cho xã hội nói chung.

Ở Việt Nam, tham nhũng, tiêu cực cho thấy sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, phá hoại việc thực hiện đường lối của Đảng và làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Tham nhũng và chi phí không chính thức là những vấn đề cản trở tăng trưởng kinh tế, gây bất bình trong xã hội, làm ô nhiễm môi trường kinh doanh và làm giảm quyết tâm của các nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai một ý tưởng.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự lành mạnh trong các quan hệ xã hội. Ngăn chặn mọi hành vi tham nhũng, tiêu cực là nhằm xây dựng một Chính phủ hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh, phải bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: “Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.


Triển khai đồng bộ, có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng



Định hướng này đã và đang được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và đem lại kết quả thực tế với việc xử lý nghiêm những vụ việc bức xúc trong dư luận, những vụ án gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã chỉ đạo xử lý hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng, buộc nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những sai phạm.

Nhất là gần đây đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC; vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở cũng được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực. Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động, nhưng các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý.

Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, giám đốc sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Hà Nội, Quảng Nam... Kết quả ấy cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã giảm dần; trên làm nghiêm dưới cũng phải nghiêm, không làm cũng không được. Cùng với đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 160 nghìn tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng (tăng 7.000 tỷ đồng so với năm trước)…

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hôm 18/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” những người khác.

Các tổ chức quốc tế đã ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Điều này cũng phản ánh quyết tâm phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta. Qua việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, môi trường kinh doanh được cải thiện, nguy cơ “chảy máu” ngân sách đã được ngăn chặn một phần.

Theo một chiều khác, số tiền thất thoát được ngăn chặn và thu lại thông qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể được nhìn nhận như một nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết cho Chính phủ, dùng để nâng cao mức chi cho các khoản phúc lợi xã hội và mức lương cho đội ngũ công chức. Tiền lương hợp lý vừa giảm bớt nguy cơ tham nhũng vừa thu hút được nguồn nhân lực tốt để phục vụ cho khu vực hành chính công.


Càng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu đá nội bộ”, “phe cánh”, làm “nhụt chí” những người khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng



Thực tế, năm 2022, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ tích cực chỉ đạo thực hiện, như: Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thường xuyên công khai, công bố, cập nhật thủ tục hành chính; mở rộng ứng dụng khoa học trong quản lý, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước tiếp tục được quan tâm...

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 cho biết, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được tổ chức thực hiện đồng bộ và toàn diện, một số biện pháp có hiệu quả thấp…

Điều đó cho thấy cần phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm tạo nên hàng rào pháp lý ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Những giấy phép có được qua con đường hối lộ phải bị vô hiệu hóa. Chúng ta cần khuyến khích và có biện pháp bảo vệ người dân tố giác những đòi hỏi hối lộ và tham nhũng tiềm ẩn...


Có thể khẳng định chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội rõ rệt. Bởi đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bịt lại những lỗ hổng thất thoát của nền kinh tế chung đang chảy vào những túi riêng.


Qua đó, Nhà nước cũng tăng thêm được nguồn tài chính từ việc thu thuế không bị hà lạm (đục khoét ngân khố qua thu thuế) và giảm bớt những thất thoát do kiểm soát tốt những chi tiêu, nhất là chi tiêu cho việc xây dựng những công trình công cộng.

Có thể khẳng định chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả có tác dụng thúc đẩy kinh tế-xã hội rõ rệt. Bởi đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực sẽ bịt lại những lỗ hổng thất thoát của nền kinh tế chung đang chảy vào những túi riêng.

Các nhà đầu tư mạnh dạn phát triển sản xuất, kinh doanh vì tin vào sự minh bạch của hệ thống công quyền, không còn phải băn khoăn về các mánh lới “tạo quan hệ” để có giấy phép và “nuôi” giấy phép… Những giá trị này không thể lượng hóa bằng những con số. Cùng với đó là làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp; tăng cường niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng trong quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước.

Theo nhandan.vn