Thứ 6, 22/11/2024, 19:46[GMT+7]

Nên làm mái nhà ngói lợp hay ngói dán?

Thứ 2, 09/01/2023 | 13:16:05
3,055 lượt xem
Tôi đang chuẩn bị thi công đến phần mái nhưng không biết nên làm mái lợp ngói theo kiểu truyền thống hay nên đổ bê tông dốc theo mái rồi dán ngói.

Phương pháp lợp ngói sẽ để lộ ra vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc xưa với kèo gỗ, mái ngói. Ảnh: H2 Workshop

Theo kiến trúc sư Trần Văn Huynh (Công ty Kiến trúc H2 Workshop) mỗi phương pháp thi công mái nhà có những ưu và nhược điểm riêng.

Lợp ngói

Đối với phương pháp này, ngoài ngói, gia chủ còn cần chuẩn bị kèo, xà, rui, mè... Đây là những vật liệu được làm từ gỗ hoặc là tre. Trường hợp khó kiếm vật liệu có thể thay thế bằng hệ sắt hộp hoặc thép mạ. Ngói dùng để lợp phải là ngói đất nung hoặc ngói gốm, ngói đá, còn ngói bê tông không được khuyến khích vì rất nóng.

Ưu điểm của phương pháp lợp ngói là chi phí không quá cao. Do không bị dán cứng vào bề mặt bê tông nên gia chủ dễ sửa chữa khi có sự cố, thay mới khi có nhu cầu. Tổng thể mái nhà có khối lượng nhẹ hơn so với ngói dán.

Phương pháp lợp ngói cũng sẽ có những nhược điểm nhất định, như quá trình lợp không cẩn thận sẽ vô tình tạo khe hở, mưa, bụi sẽ dễ bay vào nhà, nếu dùng máy lạnh sẽ bị thoát nhiệt tương đối nhiều (Giải pháp thường là đóng trần gỗ nhưng sẽ giảm thẩm mỹ của kết cấu ngói); Có thể bị lốc ngói nếu gặp gió, bão lớn.

Tóm lại, nếu nhà có sẵn kết cấu kèo gỗ theo phong cách truyền thống thì nên chọn lợp ngói, phương pháp này sẽ để lộ ra vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc xưa với kèo gỗ, mái ngói. Ưu điểm của vật liệu này cũng giúp mang lại cảm giác mát mẻ, dễ chịu cho không gian bên trong nhà.

Dán ngói

Nếu gia chủ lựa chọn kết cấu mái dốc bê tông thì nên chọn phương pháp dán ngói, có thể dùng bất cứ loại ngói nào cũng có thể dán được. Thông thường, các chủ nhà chọn phương pháp này khi trong nhà đã đóng trần, việc dán ngói chỉ mang tính chất trang trí mặt ngoài.

Ưu điểm của phương pháp dán ngói là: Có thể cố định những chi tiết mái nhỏ, cầu kỳ, phức tạp... tạo tính thẩm mỹ cao cho ngôi nhà; Vật liệu có sẵn, công nhân không cần có trình độ đặc biệt, dễ thiết kế; Bền, khả năng chống nóng cao vì có hai lớp cách nhiệt.

Nhược điểm khi dán ngói: Do được dán cố định chắc chắn trên bề mặt bê tông nên khi gặp phải vấn đề hỏng hóc rất khó sửa chữa. Ví dụ khi mái bị nước ngấm vào bên trong cũng rất khó tìm được vị trí nứt để khắc phục. Chi phí cao hơn lợp ngói. Mất nhiều thời gian thi công, nhiều công đoạn phức tạp. Hình thức dán ngói làm cho bộ mái có khối lượng khá nặng,

Mái ngói không chỉ giúp cho phần mái nhà chắc chắn, an toàn mà còn giúp làm tăng tính thẩm mỹ cho toàn bộ ngôi nhà. Do đó, dù là dán hay lợp ngói thì gia chủ bạn hãy đưa ra lựa chọn phù hợp với ngôi nhà của mình. Trước khi lựa chọn một phương án phù hợp, gia chủ hãy cố gắng tham khảo của những bên chuyên môn, cụ thể là kiến trúc sư.

Theo vnexpress.net