Thứ 5, 26/12/2024, 18:46[GMT+7]

Thể thao Việt Nam năm Quý Mão: Tháo gỡ khó khăn và tiến lên từ dấu ấn

Thứ 6, 20/01/2023 | 16:25:34
1,837 lượt xem
Ngành thể thao Việt Nam đặt mục tiêu kép đối với thể thao phong trào và thành tích cao trong năm mới Quỹ Mão đồng thời xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2030.

Thể thao Việt Nam hướng đến ASIAD và SEA Games 32 trong năm mới 2023. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Nhân dịp xuân Quý Mão, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus có cuộc phỏng vấn với Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Đặng Hà Việt.

Lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam đã cho biết những thành công đặc biệt trong năm cũ với điểm nhấn SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc đồng thời chia sẻ về những mục tiêu quan trọng trong năm mới với cả thể thao phong trào và thành tích cao. 

- Thưa ông, thể thao Việt Nam đã trải qua năm cũ Nhâm Dần như thế nào và đã đạt được những thành công đặt ra với các sự kiện lớn như SEA Games 31 hay Đại hội Thể thao toàn quốc chưa?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt: Thể thao Việt Nam đã khép lại năm cũ với những điểm sáng như tổ chức thành công SEA Games 31 trên sân nhà. Trong điều kiện khó khăn với tình thế toàn thế giới vừa vượt qua đại dịch và bị ảnh hưởng về mọi mặt, chúng ta tổ chức thành công sự kiện quan trọng và để lại được nhiều hình ảnh đẹp. SEA Games 31 chính là điểm sáng của thể thao Việt Nam trong năm qua, qua đó còn đóng góp nhiều điểm tích cực cho đất nước. 

SEA Games 31 được tổ chức thành công tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Đầu tiên, chúng ta tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á đồng thời giành tích ấn tượng với ngôi nhất toàn đoàn. Việc giành hơn 200 huy chương vàng tại SEA Games 31 cho thấy thể thao thành tích cao đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm qua.

Sau đó, nhờ công tác truyền thông tốt, ngành thể thao nói chung cũng như SEA Games 31 nói riêng truyền tải hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp và con người thân thiện đến với bạn bè thế giới. Vô số khoảnh khắc đáng nhớ tại SEA Games gây ấn tượng cho quốc tế và Đông Nam Á như hình ảnh cổ động viên Việt Nam cổ vũ nhiệt tình cho đội bạn thay vì chỉ cổ động cho đoàn thể thao chủ nhà.

Sau dịch COVID-19, không khí và đời sống thể thao Việt Nam còn ảm đạm. Tuy nhiên, nhờ SEA Games 31, thành tích cao của các vận động viên, đặc biệt với tấm huy chương vàng của đội tuyển bóng đá nam và nữ, mọi thứ đã trở nên sống động hơn, qua đó khích lệ và khơi dậy khát vọng cống hiến của người dân Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trong khi đó, phong trào thể thao toàn quốc phát triển mạnh, đi vào thực chất. Từ cấp xã, phường cho đến quận, huyện đều đã tổ chức tốt đại hội thể dục thể thao toàn dân. Sau cùng, Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức thành công, tạo không khó vui tươi. Đại hội một lần nữa giúp người dân hướng đến việc phát triển phong trào thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe.

Thông qua phong trào thể dục thể thao, người dân Việt Nam có thể xây dựng cuộc sống mạnh khỏe hơn, lao động hăng say hơn và tạo nên khát vọng cống hiến cho đất nước. 

- Ngành thể thao tiếp tục gặt hái nhiều thành tích, song cũng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sự việc vận động viên SEA Games 31 dính doping, sân Mỹ Đình gây hình ảnh xấu. Ông có thể cho biết rõ hơn về những điểm tồn tại?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt: Sự việc vận động viên Việt Nam dính doping tại SEA Games 31 thật sự đã để lại cho ngành thể thao một bài học lớn dù đây được coi như tai nạn bất ngờ. Cá nhân tôi đã sốc khi nghe tin vận động viên dính chất cấm. Từ trước đến nay, thể thao Việt Nam luôn có chủ trương không bao giờ dùng doping. 

Đối với sự việc vừa qua, nguyên nhân đến từ nghiều nguồn. Một trong số đó nằm ở việc vận động viên sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc uống có chất cấm. Theo đó, chúng ta chưa có chế tài kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Bởi vậy, vận động viên vẫn có thể dính phải những loại sản phẩm kém chất lượng. 

Từ bài học lần này, chúng tôi đã chủ động lên những phương án nhằm siết chặt và kiểm soát nguồn thực phẩm đối với vận động viên. Trước mắt, ngành thể thao sẽ đưa ra thông tư, quy định lại danh mục những thực phẩm chức năng. Theo đó, vận động viên chỉ những loại sản phẩm được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp phép.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, ông Đặng Việt Hà thẳng thắn trả lời về những vấn đề thiếu sót của thể thao Việt Nam trong năm cũ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Còn đối với sự việc sân Mỹ Đình xuống cấp, chúng tôi nói gì cũng không thể bào chữa được khi nhìn vào mặt cỏ xuống cấp. Mặt sân xấu, ghế dành cho khán giả cũ và xuống cấp đã khiến ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia. 

Tuy nhiên, vấn đề này không dễ giải quyết. Chúng tôi chờ các cấp chức năng cao hơn tháo gỡ. Chỉ khi Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình giải quyết được vấn đề nợ thuế, cũng như có phương án mới, mọi chuyện mới được giải quyết. Lãnh đạo ngành thể thao cũng đã nỗ lực liên hệ nhiều bên để tháo gỡ nhưng cơ chế chưa cho phép. 

Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình là đơn vị tự chủ, lại đang gặp vấn đề về nợ thuế nên gần như không có kinh phí cho việc thuê nhân viên, sửa chữa và nâng cấp ngay từ những điều nhỏ nhất. Đây thật sự là nỗi đau lòng của thể thao Việt Nam năm qua. 

Năm mới, chúng tôi hướng đến việc giải quyết từng vấn đề, nỗ lực sửa chữa và hoàn thiện sân Mỹ Đình đẹp hơn để không ảnh hưởng đến hình ảnh. 

- Vậy trong năm mới Quý Mão, ngành thể thao hướng đến những thành công như thế nào?

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt: Năm mới, chúng tôi sẽ cùng với Chính phủ xâu dựng Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng. Những năm tới đều phải thông qua chiến lược này để thực hiện bài bản nhằm đạt mục tiêu rõ ràng. 

Với xu thế thể thao phát triển mạnh tại Việt Nam các năm trở lại đây, ngành thể thao sẽ tập trung hơn nữa cho thể theo phong trào. Những năm gần đây, nhiều môn thể thao mối xuất hiện như thể thao mạo hiểm. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải xây dựng cơ chế phù hợp với từng môn. Trong khi đó, ngành thể thao không ngừng cải thiện những quy chế, thông tư và điều lệ đã được ban hành từ chục năm trước và không còn phù hợp. Chúng tôi cần điều chỉnh nhằm mục đích thu hút nhiều người tham gia hơn đối với hoạt động thể dục thể thao. 

Thể thao Việt Nam xây dựng sẽ chiến lược phát triển đến năm 2030. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Đặc biệt, ngành thể thao hướng đến mục tiêu bảo tồn các môn thể thao dẫn tộc trong năm mới Quý Mão. Ví dụ, môn võ cổ truyền đã gắn liền với lịch sử giữ nước và dựng nước, cần được quảng bá nhằm được bảo tồn, duy trì và phát triển hơn. 

Còn lại, đối với thể thao thành tích cao, chúng tôi vẫn lên kế hoạch dài lâu nhằm hướng đến đấu tường Olympic. Năm mới, thể thao Việt Nam tham dự hai sự kiện quan trọng gồm ASIAD tại Thượng Hải (Trung Quốc) và SEA Games 32 ở Campuchia. Theo đó, chúng ta hướng đến mục tiêu nằm trong tốp 3 trên bảng tổng sắp huy chương tại đấu trường Đông Nam Á và giành từ 3 đến 5 huy chương vàng tại sân chơi châu lục./. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Theo Vietnam+