Thứ 7, 23/11/2024, 04:28[GMT+7]

Nhà khoa học có cơ hội đăng bài miễn phí trên Nature

Thứ 7, 21/01/2023 | 08:05:51
2,725 lượt xem
Nature thông báo các nhà nghiên cứu từ hơn 70 quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp, trong đó có Việt Nam sẽ được miễn phí đăng bài open access trên nhiều tạp chí của nhà xuất bản này.

Nghiên cứu viên tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST).

Open Access được hiểu là việc cho phép truy cập miễn phí trên mạng internet tới các công trình khoa học đăng trên các tạp chí có bình duyệt (peer-review).

Tổng biên tập Magdalena Skipper cho biết, open access giúp các nghiên cứu đến được với nhiều độc giả, qua đó thúc đẩy khoa học mở và cộng tác. "Chúng tôi đang tiến thêm một bước hướng tới việc xuất bản nghiên cứu công bằng hơn và để kiến thức khoa học dễ tiếp cận hơn trên toàn cầu", bà Magdalena bình luận về chính sách mới trên Springer Nature.

Theo chính sách này, tác giả liên hệ (corresponding author) đến từ các nước nằm trong chương trình hỗ trợ của Nature sẽ được tự động miễn phí đăng bài mà không cần phải gửi đề nghị hay yêu cầu miễn giảm phí đăng bài đến nhà xuất bản.

Nhà xuất bản Nature là một trong những nhà xuất bản uy tín trên thế giới với các tạp chí có tiếng như Nature, Nature Biomedical Engineering, Nature Genetics...

Chia sẻ với VnExpress, PGS.TS Nguyễn Thanh Bình, trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM đánh giá đây là sự hỗ trợ rất tốt đối với nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp, trong đó có Việt Nam.

"Đây là một bước đi chiến lược của nhà xuất bản này để hỗ trợ các bài báo nghiên cứu tốt có thể đến gần hơn với các độc giả trên thế giới, đặc biệt hỗ trợ các nhà khoa học mạnh dạn viết những bài báo có chất lượng cao mà không phải tốn chi phí cho việc open access", ông cho hay.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình có 4 bằng độc quyền sáng chế, 65 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế (SCI Q1), bài báo khoa học được công bố tại các hội nghị quốc tế uy tín.

Ông cho biết, thông thường các nhà khoa học sau khi nộp bài báo trên các tạp chí uy tín để thẩm định sẽ mất một hoặc một số vòng phản biện để biết được bài báo của mình có đủ chất lượng để được đăng trên tạp chí lựa chọn hay không. Nếu bài báo được chấp nhận đăng, các nhà xuất bản (ví dụ IEEE, Springer, Elsevier, hay Nature,...) sẽ cho các nhà khoa học hai lựa chọn: một là bài báo của họ sẽ được tải xuống cho những độc giả đã mua gói đăng ký đọc báo tại nhà xuất bản (nhà khoa học sẽ không mất tiền); hai là dạng open access (có nghĩa nhà khoa học phải đóng một số tiền, thường dao động từ 1.000 USD đến hơn 2.000 USD tuỳ nhà xuất bản) để bài báo của họ có thể được tải miễn phí cho các độc giả (kể cả độc giả không đăng ký gói đọc báo tại nhà xuất bản).

Như vậy với cơ chế mới, các nhà khoa học đến từ các nước nằm trong chương trình hỗ trợ của Nature sẽ không cần tốn tiền mà bài báo của họ có thể đến khắp các độc giả trên toàn thế giới miễn phí.

Theo PGS Bình, cơ chế mới giúp đỡ rất nhiều cho các nghiên cứu viên trẻ say mê làm khoa học nhưng chưa có nhiều kinh phí nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan để thêm nhiều nhà khoa học khác trên thế giới có thể tiếp cận công trình nghiên cứu của họ. Bên cạnh đó, việc tự động miễn phí đăng bài cũng thuận lợi cho các tác giả để giảm bớt quy trình khi gửi đăng bài báo và xuất bản sau đó.

Thông báo từ nhà xuất bản Nature. Ảnh chụp màn hình.

Thông báo từ nhà xuất bản Nature. Ảnh chụp màn hình.

Những năm gần đây nổi lên một số nhà xuất bản "săn mồi" hoặc kém chất lượng lợi dụng cơ chế open access để rút ngắn bình duyệt hoặc bình duyệt quá sơ sài và không cẩn thận. Có tạp chí nhận và đăng bài chỉ trong một vài tuần. Điều này khiến có nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng bài báo được đăng theo cơ chế open access. Do đó "việc nhà xuất bản uy tín như Nature cho cơ chế miễn phí open access sẽ giúp nhìn nhận khách quan về vấn đề này", PGS Bình nói.

Ông nhấn mạnh để đánh giá một bài báo nếu xuất bản dạng open access có tốt hay không, cần có góc nhìn đa chiều như chất lượng bài báo, danh tiếng nhà xuất bản, đội ngũ biên tập, thứ hạng tạp chí trên bảng xếp hạng uy tín (Scimagor, WoS, ISI, CORE, ABCD,...) cũng như kết hợp thứ hạng đánh giá từ cộng đồng nghiên cứu trong ngành.

Theo vnexpress.net