Thứ 6, 22/11/2024, 05:27[GMT+7]

Thúc đẩy sức trẻ của Lục địa già

Thứ 6, 27/01/2023 | 09:02:53
2,473 lượt xem
Tại lễ kỷ niệm 60 năm Pháp và Đức ký hiệp ước hợp tác thời hậu chiến diễn ra ở thủ đô Paris mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lời kêu gọi hai nước cùng nhau trở thành những quốc gia tiên phong trong công cuộc xây dựng lại châu Âu. Các nhà lãnh đạo Pháp và Đức đều khẳng định vai trò dẫn dắt của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu trong thực hiện các mục tiêu nhằm thúc đẩy “sức trẻ” của Lục địa già.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại lễ kỷ niệm 60 năm Pháp và Đức ký hiệp ước hợp tác thời hậu chiến, ở Paris, Pháp, ngày 22/1/2023. (Ảnh: TTXVN)

Pháp và Đức đã ký Hiệp ước Elysee năm 1963 về quan hệ hợp tác song phương thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai trong tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác quân sự cho đến giao lưu thanh niên. Từ đó đến nay, Pháp và Đức thường hợp tác, tạo nền tảng cho các phản ứng chung của châu Âu trong các giai đoạn khủng hoảng.

Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác lịch sử đang bị phủ bóng bởi những khác biệt trong một loạt vấn đề, trong đó có cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngay cả công chúng hai nước cũng cảm thấy có vấn đề trong quan hệ song phương, khi kết quả thăm dò dư luận của Ipsos gần đây cho thấy, 36% người trả lời tại Pháp và 39% người trả lời tại Đức cho rằng mối quan hệ Đức-Pháp đang trầm lắng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến công du Pháp nhân kỷ niệm 60 năm hai nước ký hiệp ước hợp tác thời hậu chiến. Các vấn đề hàng đầu được hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức thảo luận trong chuyến thăm này, bao gồm cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề khí hậu và năng lượng cũng như năng lực cạnh tranh của châu Âu trước các biện pháp trợ giá của Mỹ.

Cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức lần thứ 23 cũng đã được tổ chức tại thủ đô Paris với trọng tâm xoay quanh các chủ đề như kinh tế, chuyển đổi năng lượng, quốc phòng và chính sách châu Âu. Trong tuyên bố chung, hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ và không gian mạng.

Tuyên bố nhấn mạnh, Đức và Pháp cần củng cố và thúc đẩy các mô hình chính trị, kinh tế và xã hội của mình, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm sớm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon. Hai nước cũng bày tỏ quyết tâm giải quyết các thách thức về năng lượng, môi trường, khí hậu, công nghiệp và đa dạng sinh học.

Theo Tổng thống Pháp Macron, nhiệm vụ đầu tiên của Pháp và Đức, với tư cách là những quốc gia tiên phong, là cùng nhau xây dựng một mô hình năng lượng mới vượt qua sự khác biệt giữa hai nước. Ông Macron cho rằng, hai nước cần khuyến khích và đẩy nhanh các khoản đầu tư công và tư cần thiết ở cấp độ châu Âu để phục vụ cho quá trình chuyển đổi sinh thái.

Nhà lãnh đạo Pháp đồng thời nhấn mạnh hai quốc gia đồng minh phải hoàn tất việc đa dạng hóa các nguồn lực và khuyến khích sản xuất năng lượng không có carbon ở châu Âu. Cũng theo ông Macron, Pháp và Đức cũng nên là những quốc gia tiên phong về sự đổi mới và công nghệ của tương lai để xây dựng sự thịnh vượng về sinh thái và xã hội gắn kết hai nước.

Tổng thống Pháp Macron cũng vạch ra chiến lược công nghiệp đầy tham vọng của châu Âu "Made in Europe 2030", mà ông cho rằng sẽ đưa châu lục này dẫn đầu về công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang tìm kiếm các đồng minh đáng tin cậy trong thực hiện chiến lược này.

Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng cho rằng, tương lai của châu Âu phụ thuộc vào động lực dẫn dắt của Đức và Pháp. Ông Scholz nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa hai nước luôn được bồi đắp và hoạt động hiệu quả, như một cỗ máy được vận hành trơn tru.

Cả Pháp và Đức, hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đều đang thực hiện trách nhiệm bảo vệ châu Âu trước áp lực từ bên ngoài, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang tranh luận về cách phản ứng với các biện pháp hỗ trợ của chính phủ theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.

Các nước EU lo ngại IRA sẽ gây bất lợi cho các công ty của họ vì nhiều khoản trợ cấp chỉ dành cho những sản phẩm được chế tạo ở Bắc Mỹ, thí dụ như ô-tô điện. Pháp và Đức đều phải có những biện pháp bảo vệ các công ty châu Âu trước sự ép buộc về kinh tế, song hai nước này cần đạt được sự đồng thuận mạnh mẽ hơn trong cách tiếp cận vấn đề.

Trong khi Tổng thống Pháp Macron kêu gọi châu Âu áp dụng những hình thức trợ cấp rộng rãi với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở các nước thành viên EU để bảo đảm cạnh tranh công bằng, thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz ủng hộ đối thoại với Washington.

Bảo vệ chính sách công nghiệp đầy tham vọng của châu Âu nhằm củng cố khả năng phục hồi và tự chủ chiến lược của EU là một ý tưởng được Tổng thống Macron ủng hộ từ lâu. "Made in Europe" được ông Macron ủng hộ đã đưa ra những đề xuất để ứng phó với thách thức nhằm tránh nguy cơ phi công nghiệp hóa châu Âu, thất nghiệp và lạm phát.

Trong khi đó, Đức cũng đang muốn đi đầu trong nỗ lực trung hòa carbon khi Thủ tướng Olaf Scholz cho biết nước này đang trên đà hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045 và một nền kinh tế trung hòa khí thải là nhiệm vụ cơ bản của nước Đức trong thế kỷ này.

Với những mục tiêu quan trọng trên, Pháp và Đức đang đứng trước cơ hội để hai bên có thể tạo động lực mới cho mối quan hệ song phương và tăng cường sự phối hợp giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu trong nỗ lực giải quyết hàng loạt các vấn đề của khu vực, thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của Lục địa già.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày