EU từng bước tự chủ năng lượng
Năng lượng đã trở thành “bài toán nan giải” nhất của EU trong suốt năm 2022. Vài tháng sau khi nổ ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, châu Âu từng tuyên bố đã thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Moskva bằng các nguồn khác, nhưng giới chuyên gia nhận định về lâu dài, châu Âu vẫn phải đối mặt thách thức vô cùng lớn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái khôn”. Sức ép từ việc thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga đã thúc đẩy EU đa dạng hóa nguồn cung và gia tăng tiến trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng.
Để thay thế khí đốt của Nga nhập qua đường ống, châu Âu tăng nhập khí đốt hóa lỏng (LNG) từ các đối tác khác, nhất là Mỹ trong thời gian qua. Ủy ban châu Âu cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8/2022, tổng lượng khí đốt EU nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ mét khối. Trong cùng thời gian, nguồn cung cấp LNG từ Mỹ tăng gần 80%. Bên cạnh đó, các quốc gia EU cũng không ngừng nỗ lực tự chủ năng lượng thông qua các dự án năng lượng tái tạo và hoàn thiện cơ chế phát triển các nguồn năng lượng xanh.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa qua ở Davos (Thụy Sĩ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ đưa ra các khoản trợ cấp năng lượng sạch mới để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Theo Chủ tịch EC, kế hoạch Thỏa thuận xanh trong lĩnh vực công nghiệp của EU được xây dựng nhằm biến châu Âu trở thành một trung tâm công nghệ sạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bước sang năm 2023, “đại gia đình EU” đã dần thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga và tiến trình tự chủ năng lượng của khối này được dự báo sẽ củng cố vững chắc hơn trong những năm tới. |
Ngoài ra, bà Leyen cho biết, EU sẽ tạm thời điều chỉnh các quy định về trợ cấp của liên minh để đẩy nhanh và đơn giản hóa việc cấp phép sản xuất năng lượng sạch. EU cũng đang xây dựng Đạo luật Công nghiệp cân bằng phát thải mới nhằm tập trung các khoản đầu tư vào những dự án dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, như đơn giản hóa và cấp phép theo dõi nhanh cho các địa điểm sản xuất công nghệ sạch mới…
Cùng với phát triển năng lượng tái tạo, giới phân tích dự báo, một số nước EU sẽ quay trở lại phát triển năng lượng hạt nhân để bù đắp nguồn cung năng lượng sau khi “tẩy chay” khí đốt của Nga. Nhật báo Les Echos cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến năng lượng hạt nhân trở thành chủ đề được quan tâm.
Báo này dẫn phát biểu của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tại buổi lễ tái khởi động năng lượng hạt nhân vừa diễn ra ở Normandy, cho rằng, tất cả quốc gia công nghiệp lớn ở châu Âu, bao gồm cả các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác, “sớm muộn cũng sẽ quay trở lại với năng lượng hạt nhân”.
Bên cạnh việc đa dạng hóa nguồn cung, EU cũng nỗ lực đưa ra các phương án điều chỉnh thị trường năng lượng. Báo chí châu Âu cho biết, EU đang chuẩn bị các đề xuất điều chỉnh thị trường theo hướng cố gắng giảm tác động của biến động giá nhiên liệu hóa thạch đối với hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng trong khối.
Trong phiên tham vấn công khai được tiến hành ngày 23/1, Ủy ban châu Âu đưa ra một số lựa chọn để điều chỉnh cách thức bán điện của các nhà máy điện, một phần trong kế hoạch cải tổ thị trường mà EC sẽ đề xuất vào tháng 3 tới. Bên cạnh đó, EC kêu gọi thêm nhà thầu công tham gia các dự án năng lượng tái tạo…
Với những nỗ lực nêu trên, bước sang năm 2023, “đại gia đình EU” đã dần thoát phụ thuộc vào năng lượng Nga và tiến trình tự chủ năng lượng của khối này được dự báo sẽ củng cố vững chắc hơn trong những năm tới. Phát biểu với Hãng tin TASS, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell nhấn mạnh: “Trong vài tháng qua, chúng tôi đã xóa bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga vốn tồn tại suốt nhiều năm qua. Dù chúng tôi từng trải qua giai đoạn năng lượng rất đắt đỏ, nhưng hiện giá năng lượng đang quay trở lại như thời kỳ trước chiến sự Nga-Ukraine”.
Thực tế nêu trên là điều mà chính EU, Nga và cộng đồng quốc tế không thể dự liệu khi nổ ra cuộc chiến Ukraine vào đầu năm 2022. Một khi các quốc gia EU có thể “nói không” với khí đốt Nga, Moskva đang mất đi một con bài chiến lược quan trọng trong thương lượng với phương Tây về vấn đề Ukraine và “bàn cờ” địa chính trị khu vực chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn trong năm 2023 này.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam