Thứ 5, 28/03/2024, 19:58[GMT+7]

Cần sự sẻ chia, đoàn kết của cộng đồng quốc tế

Thứ 5, 09/02/2023 | 09:07:40
1,246 lượt xem
Thế giới đang dồn sự quan tâm lớn về Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời khẩn trương lên phương án hỗ trợ kịp thời cho hai quốc gia này nhằm chia sẻ những mất mát đau thương của họ trước thông tin liên tục cập nhật về con số thương vong trong trận động đất kinh hoàng xảy ra mới đây.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hơn 24.400 nhân viên tìm kiếm và cứu nạn tới khu vực chịu ảnh hưởng của động đất. (Ảnh: Ihlas News Agency/Reuters)

Công tác tìm kiếm cứu hộ và khắc phục hậu quả động đất được xác định rất khó khăn và cần sự sẻ chia, đoàn kết của cộng đồng quốc tế, khi hơn 11.000 người chết, hàng chục nghìn người bị thương và con số có thể còn tăng thêm nhiều nữa, cùng những thiệt hại chưa thể thống kê.

Trận động đất được đánh giá là mạnh nhất trong một thế kỷ qua xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, đẩy nhiều người vào cảnh "màn trời chiếu đất", gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phá hủy cả những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa. Nhiều tòa nhà trong các khu vực bị ảnh hưởng của động đất có cấu trúc không chắc chắn, có nguy cơ sụp đổ trong những ngày tới. Cơ sở hạ tầng bị hư hại trên diện rộng đang cản trở công tác cứu trợ.

Gian nan công tác cứu hộ

Theo các quan chức Liên hợp quốc, các đội điều phối và đánh giá thảm họa quốc tế đầu tiên đã đến sân bay Adana ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đường vào bị hạn chế và thiếu xe tải vận chuyển ở Gaziantep, tâm chấn của trận động đất đầu tiên, đã gây khó khăn cho việc tiếp cận hiện trường, buộc các cơ quan phòng, chống thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ phải xem xét huy động máy bay trực thăng và xe tải từ các tỉnh khác xa hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (T.Éc-đô-gan) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh. Công tác tìm kiếm cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết xấu. Ðặc biệt tại Syria, tình trạng thiếu trang thiết bị cứu hộ do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Trung Ðông này cũng khiến nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn bị kéo dài.

Với tinh thần làm việc khẩn trương, các lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã giải cứu khoảng 8.000 người.Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cung cấp bếp, nệm và lều cho những người bị ảnh hưởng vì thảm họa động đất.

Theo UNHCR, hơn 1,7 triệu trong số 15 triệu người sinh sống tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người tị nạn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiếp nhận lượng người tị nạn lớn nhất thế giới kể từ năm 2014. Khoảng 4 triệu người tị nạn và người xin tị nạn hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự bảo vệ tạm thời của quốc tế.

Trong khi đó, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) bày tỏ quan ngại về thiệt hại đối với các di sản của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết hỗ trợ hai quốc gia bị động đất tàn phá. Tại Syria, UNESCO đặc biệt quan tâm đến tình hình ở thành phố cổ Aleppo, vốn nằm trong Danh sách di sản thế giới, đang gặp nguy hiểm.

UNESCO cho biết đã ghi nhận thiệt hại đáng kể ở thành cổ này, khi tòa tháp phía tây của bức tường thành cũ đã sụp đổ và một số tòa nhà trong khu chợ bị suy yếu. Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, một số tòa nhà ở thành phố Diyarbakir đã bị sập. Ðây là nơi có "Pháo đài Diyarbakir và Cảnh quan văn hóa vườn Hevsel", từng là một trung tâm quan trọng của các thời kỳ đế chế La Mã, Sassanid, Byzantine, Hồi giáo và Ottoman, đã được đưa vào Danh sách di sản thế giới.

Sự đoàn kết, sẻ chia

Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt để cứu những nạn nhân còn sống sót trong đống đổ nát của những tòa nhà bị sập. Bên cạnh các cam kết hỗ trợ tài chính, đến nay, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), NATO cùng khoảng 20 quốc gia đã cam kết hoặc triển khai lực lượng tới tham gia công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Liên hợp quốc công bố khoản tài trợ trị giá 25 triệu USD cho công tác nhân đạo tại những khu vực bị ảnh hưởng tại hai nước, đồng thời cho biết đã cử các nhóm tới đánh giá tình hình thực tế và tham gia hỗ trợ khi cần thiết.

Trong khi đó, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thông báo cử sáu đội hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn và điều trị khẩn cấp tới các vùng gặp nạn. EU đã triển khai 27 đội tìm kiếm cứu nạn và y tế từ 19 quốc gia thành viên tới hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Khối này cũng tài trợ để các tổ chức nhân đạo thực hiện công tác tìm kiếm và cứu hộ ở Syria, cũng như cung cấp nước hay phân phát chăn.

NATO thể hiện sự đoàn kết với thành viên Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc triển khai lực lượng gồm 1.400 người từ khắp 20 quốc gia đồng minh và đối tác của NATO tới Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác cứu hộ. NATO cũng sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất. Từ châu Âu, Phần Lan cho biết, sẽ viện trợ nhân đạo 1 triệu euro cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thông qua Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, trong khi Thụy Ðiển cũng hỗ trợ 37 triệu kronor Thụy Ðiển (3,5 triệu USD) cho hai nước này. Nga và Anh đã điều các nhóm tìm kiếm cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong khi Ðức, Ukraine bày tỏ sẵn sàng cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.

Các quốc gia vùng Vịnh cũng khẩn trương có các biện pháp hỗ trợ công tác cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) công bố khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD, chia đều cho hai quốc gia. Saudi Arabia lập cầu hàng không để cung cấp các dịch vụ y tế, chỗ ở, thực phẩm và hỗ trợ hậu cần để giảm tác động của trận động đất đối với người dân ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Jordan và Liban đã điều các đội cứu hộ và viện trợ nhân đạo tới hỗ trợ, trong khi Ai Cập triển khai năm máy bay quân sự chở vật tư y tế đến cả hai quốc gia bị động đất tàn phá. Qatar cũng đã cử 120 nhân viên cứu hộ tới Thổ Nhĩ Kỳ, cùng một bệnh viện dã chiến, viện trợ cứu trợ, lều và đồ tiếp tế mùa đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) cho biết, hai đội tìm kiếm và cứu hộ (tổng cộng 158 người) đã được triển khai tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Lầu năm góc và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang phối hợp các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ về các công tác liên quan. Trung Quốc cũng viện trợ khẩn cấp 5,9 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ và điều các đội cứu hộ tới nước này. Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh cũng sẽ có các hoạt động cứu trợ thiên tai cấp thiết cho Syria. Các nước như Nhật Bản, Na Uy, Tây Ban Nha, Canada, Mexico, Algeria, Tunisia cũng triển khai các nhóm cứu hộ tới hỗ trợ các khu vực chịu ảnh hưởng của thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Theo các chuyên gia, việc hàng nghìn người chết do động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Chính vì thế, nhiều quốc gia đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho hai nước này. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót và cần huy động mọi nguồn lực cũng như sự chung tay của cộng đồng quốc tế để giúp Thổ Nhĩ kỳ và Syria khắc phục hậu quả trận động đất kinh hoàng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày