Thứ 7, 23/11/2024, 21:52[GMT+7]

Ngắm ngôi đền hơn 200 năm tuổi giữa lòng thành phố

Thứ 6, 17/02/2023 | 17:10:08
2,316 lượt xem
Tọa lạc trên diện tích hơn 4.200 mét vuông ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, Thái miếu nhà Hậu Lê còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử... độc đáo, đặc sắc.

Thái miếu nhà Hậu Lê còn được gọi là Bố Vệ miếu hay đền Lê… được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hậu Lê và thời Nguyễn, với các công trình: Nghinh môn, sân điện, tiền điện và hậu điện. 

Theo những tài liệu ghi chép lại, Thái miếu nhà Hậu Lê được dựng lại trên cơ sở thái miếu tại Lam Kinh, Thọ Xuân dưới đời vua Lê Thái Tổ và hoàn chỉnh thời các vua kế vị Lê Thái Tông (1433-1442) và Lê Nhân Tông (1442-1459). Sau khi bị hỏa hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long với tên gọi là điện Hoằng Đức. 

Để tri ân và tôn vinh công lao to lớn của vương triều Hậu Lê, năm 1805, vua Gia Long đã cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) để phụng thờ các vị Hoàng đế, Hoàng Thái Hậu thời Hậu Lê. 

Thái miếu gồm 2 tòa: Tiền điện và hậu điện được bố trí liền nhau theo lối trùng thềm (kiểu chữ Nhị) gồm 7 gian, mái được lợp ngói mũi hài, phía trên nóc được trang trí công phu với biểu tượng “lưỡng long chầu nguyệt”. 

Trải qua hơn 200 năm lịch sử, nhưng Thái miếu nhà Lê còn lưu giữ được nhiều hiện vật quan trọng. 

Tại đây còn lưu giữ những con nghê gỗ từ thế kỷ 17, được làm bằng gỗ mít, chạm khắc rất tinh xảo, mang đậm chất nghệ thuật điêu khắc cổ, cũng như dấu ấn và giá trị văn hóa của thời Hậu Lê. Theo quan niệm của người xưa, nghê là biểu tượng của sức mạnh, hóa giải sát khí và mang lại tài lộc. 

Đặc biệt, Thái miếu hiện đang lưu thờ bài vị của 27 vị vua, cùng các Hoàng Thái Hậu và các vương công nhà Hậu Lê. Trong đó, có 4 thánh vị cổ của các vua: Lê Thái Tổ, Lê Thần Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông. Nơi đây còn thờ hai bậc khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai. 

Tiền điện có 5 ban thờ, ở chính giữa là ban thờ hội đồng các quan, hai bên thờ các vương, công triều nhà Hậu Lê. 

Hai ban thờ còn lại ở phía tả thờ hai vị khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và phía hữu thờ Lê Lai - hai vị quan văn võ có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. 

Hậu điện được thiết kế theo lối “chồng rường kẻ bẩy” với hệ thống 32 cột (8 cột hàng ngang và 4 cột hàng dọc), kê đá tảng dưới chân. Trên thân của những cây cột được sơn đỏ và trang trí hình rồng trong vân mây, chạm khắc công phu.

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, năm 1995, Thái miếu nhà Hậu Lê được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. 

Hằng năm, cứ vào ngày 21 và 22 tháng 8 Âm lịch, nguời dân xứ Thanh lại tổ chức các hoạt động lễ hội, dâng hương tại Lam Kinh, Thái miếu nhà Hậu Lê và Tượng đài Lê Lợi để bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân. 

Thái miếu nhà Hậu Lê là một trong những điểm tâm linh hấp dẫn của du khách khi về với xứ Thanh. 

Theo baothanhhoa.vn