Thứ 7, 23/11/2024, 21:48[GMT+7]

Tìm sự thích ứng cho kiến trúc nông thôn

Thứ 7, 18/02/2023 | 11:40:57
1,356 lượt xem
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 7/2/2023, về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Đây là một chỉ thị hết sức cần thiết vào thời điểm này.

Đường làng cổ Cự Đà, Cự Khê, Hà Nội. (Ảnh: tapchikientruc.com.vn)

Làng quê Việt Nam những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng vấn đề quy hoạch, kiến trúc chưa theo kịp sự phát triển kinh tế, khiến cho càng có điều kiện xây dựng các công trình mới, thì kiến trúc ở nông thôn lại càng xa rời bản sắc. Không gian cảnh quan truyền thống bị phá vỡ, ao làng, hệ thống cây xanh bị mất đi, thay vào đó lại là nhiều công trình có kiến trúc không phù hợp với không gian truyền thống.

Trong đó, có cả những ngôi nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng được "bê nguyên" kiến trúc xa lạ đặt giữa làng quê. Đối với các công trình nhà ở, không chỉ "bê-tông hóa" ở mức độ cao, mà còn có kiến trúc pha tạp, hổ lốn.

Ngay cả những gia đình có diện tích rộng, nhưng việc xây dựng tự phát, thiếu hướng dẫn cũng tạo ra những công trình đẹp, nhưng thiếu sự hài hòa với không gian chung. Chưa kể, việc phân bố công trình công cộng, nhà ở theo tuyến và nhà ở phân tán không phù hợp với quy hoạch, địa hình tự nhiên, thiếu điểm nhấn, thiếu phân bố không gian hợp lý... Kết quả là tuy làng quê giàu lên, nhưng diện mạo lại trở thành "làng không ra làng, phố không ra phố".

Chỉ thị số 04/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Xây dựng phải nghiên cứu các mẫu thiết kế các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, các mô hình nhà ở kết hợp sản xuất phù hợp với điều kiện của từng vùng, miền; các mô hình nhà ở có thể khai thác tốt nguyên liệu địa phương, bền vững, hướng tới tiêu chuẩn sống của đô thị, nhưng kế thừa các nét truyền thống.

Mặc dù có nhiều bất cập, song cần nhìn nhận sự thay đổi của kiến trúc nông thôn trong dòng chảy phát triển của xã hội. Trên thực tế, không gian trong kiến trúc truyền thống - điển hình là những ngôi nhà mái ngói ở nhiều làng quê - được tổ chức theo "chiều ngang".

Việc xây dựng công trình tốn nhiều diện tích. Trong khi đó, dân số ngày một tăng lên. Phần lớn các gia đình nông thôn vùng đồng bằng đều phải đối mặt với việc tách hộ, chia đất. Nhiều người phê phán việc nhà ống xây dựng tràn lan ở nông thôn. Song, đây là giải pháp bắt buộc với nhiều người. Không gian sống phải tổ chức theo "chiều đứng" để đáp ứng yêu cầu dân số tăng, đất đai thì có hạn. Chưa kể, đất đai ở nông thôn cũng ngày một đắt đỏ hơn.

Gìn giữ truyền thống là cần thiết, nhưng cũng phải tính đến việc đáp ứng được những thay đổi của cuộc sống, để tạo ra bản sắc cho nông thôn trong thời hiện đại. Đây chính là "bài toán" mà các cơ quan, đơn vị cần tập trung tìm ra lời giải, hướng tới sự thích ứng, cái gì nên kế thừa, khai thác, cái gì cần phải loại bỏ.

Nông thôn đang thay đổi chóng mặt, nếu không triển khai và đưa vào cuộc sống Chỉ thị số 04/CT-TTg, những mô hình "làng không ra làng, phố không ra phố" sẽ được nhân rộng rất nhanh, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo nhandan.vn