Thứ 6, 22/11/2024, 16:13[GMT+7]

Kinh tế Eurozone qua "cơn bĩ cực"

Thứ 3, 28/03/2023 | 09:03:33
864 lượt xem
Kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng trưởng mạnh nhất trong 10 tháng và điều này làm "tan băng" mối lo suy thoái kinh tế trên toàn châu lục. Tuy nhiên, tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây và lạm phát chưa hạ nhiệt vẫn là những vấn đề kinh tế lớn của Lục địa già.

Trụ sở chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt, Đức ngày 16/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Kết quả khảo sát vừa được S&P Global công bố ngày 24/3 cho biết, tăng trưởng kinh tế ở Eurozone đã tăng ngoạn mục trong tháng 3 và đạt mức cao nhất trong 10 tháng, bất chấp những bất ổn và mây đen từ cuộc khủng hoảng của một số ngân hàng lớn gần đây. 

Theo S&P Global, chỉ số Flash PMI của Eurozone đạt mức 54,1, tăng so với mức 52,0 ghi nhận trong tháng 2, phần lớn nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ. Ðối với các nền kinh tế, khi chỉ số PMI ở mức hơn 50 là dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng.

Kết quả khảo sát vừa được S&P Global công bố ngày 24/3 cho biết, tăng trưởng kinh tế ở Eurozone đã tăng ngoạn mục trong tháng 3 và đạt mức cao nhất trong 10 tháng, bất chấp những bất ổn và mây đen từ cuộc khủng hoảng của một số ngân hàng lớn gần đây.


Cùng với chỉ số PMI khả quan, lạm phát tại các nước Eurozone cũng đã dần hạ nhiệt trong những tháng gần đây, sau khi tăng phi mã trong năm ngoái và chạm ngưỡng cao kỷ lục 10,6% vào tháng 10/2022. 

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng của Eurozone cũng đã trở nên vững chắc hơn, xua đi nỗi lo về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng. Tuần vừa qua, các thị trường chao đảo sau khi giá cổ phiếu của Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai tại Thụy Sĩ - bất ngờ lao dốc chỉ vài ngày sau vụ hai ngân hàng ở Mỹ sụp đổ. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã phải vào cuộc giải cứu Credit Suisse và đứng ra làm trung gian thỏa thuận để UBS - ngân hàng lớn nhất nước này - tiếp quản Credit Suisse, tránh nguy cơ khủng hoảng toàn hệ thống.

Tuy nhiên, cuối tuần qua, Chủ tịch Ngân hàng trung ương liên bang Ðức Bundesbank - ông Joachim Nagel khẳng định rằng, nhận định hệ thống tài chính Eurozone đã phục hồi sau biến động và ECB sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết nếu nhận thấy dấu hiệu thanh khoản giảm mạnh.

Nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics Paolo Grignani vừa nhận định rằng, dữ liệu mới nhất của S&P cho thấy một bức tranh ngắn hạn về khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế châu Âu. ECB cũng đã nâng dự báo tăng trưởng tại khu vực Eurozone trong năm 2023 lên 1%, nhờ giá năng lượng giảm và khả năng chống chịu mạnh mẽ hơn trong môi trường quốc tế đầy biến động. 

Trước đó, trong một tuyên bố với truyền thông, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng khẳng định lĩnh vực ngân hàng trong Eurozone có sức chống chịu tốt trong bối cảnh những rối loạn trên thị trường sau vụ hai ngân hàng lớn của Mỹ liên tiếp đóng cửa.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khẳng định lĩnh vực ngân hàng trong Eurozone có sức chống chịu tốt trong bối cảnh những rối loạn trên thị trường sau vụ hai ngân hàng lớn của Mỹ liên tiếp đóng cửa.


Với những tín hiệu kinh tế mới tích cực, giới phân tích tin tưởng rằng, kinh tế Eurozone đã thoát khỏi nguy cơ suy thoái. ECB dự báo mức tăng trưởng GDP của Eurozone năm 2023 là 0,5%. Thông báo của ECB cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2024 và năm 2025 đạt 1,6%.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù đã khởi sắc, kinh tế Eurozone vẫn đối mặt hai thách thức lớn trước mắt là những rung lắc từ "cơn địa chấn" khủng hoảng ngân hàng và tỷ lệ lạm phát cao. 

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cảnh báo, những bất ổn của hệ thống ngân hàng gần đây có thể làm tăng thêm các nguy cơ xấu trong Eurozone. Bà lưu ý rằng những căng thẳng trên thị trường tài chính vừa qua đã bồi thêm những nguy cơ mới và khiến đánh giá nguy cơ với kinh tế khu vực trở nên u ám hơn.

Trong khi đó, lạm phát dù đã bước đầu được kiềm chế, song vẫn là mảng tối trên bức tranh kinh tế khu vực. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát đã khiến lạm phát tại Eurozone tăng cao năm 2022. Mức lạm phát lõi, hay lạm phát không tính các biến động mạnh như giá năng lượng và lương thực, đã tăng từ 5,3% lên 5,6% - mức cao nhất trong lịch sử của liên minh tiền tệ châu Âu. Sau khi giá dầu lao dốc, lạm phát tại Eurozone đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức 8,5% trong tháng 2/2023. Trong cuộc họp tuần trước, ECB tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm nhằm cố gắng phản ứng với tình trạng lạm phát cao ở Eurozone.

Thực tế nêu trên cho thấy, dù kinh tế Eurozone nói riêng, châu Âu nói chung đã qua "cơn bĩ cực" và các tín hiệu kinh tế sáng sủa đã xua tan mây đen suy thoái, nhưng triển vọng phục hồi vẫn khá mong manh.

Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế khu vực vẫn rất cần những "liều thuốc tăng lực" và các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế từ ECB và chính phủ các nước trong khu vực. 

Bên cạnh đó, việc gìn giữ và bảo đảm môi trường khu vực hòa bình, ổn định, cũng là yếu tố then chốt để các nền kinh tế trong "đại gia đình Eurozone" phục hồi mạnh mẽ.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày