Thứ 7, 21/12/2024, 20:47[GMT+7]

Ngành giáo dục huyện Kiến Xương: Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ 7, 08/04/2023 | 19:30:27
4,908 lượt xem
Nhiều năm qua, ngành giáo dục huyện Kiến Xương đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản lý, giảng dạy, qua đó góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục.

Công nghệ thông tin được ứng dụng trong quá trình dạy và học tại Trường Tiểu học Thanh Nê.

Trường Tiểu học Thanh Nê là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực này; cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thái, giáo viên chủ nhiệm lớp 5E cho biết: Công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng đối với các thầy cô giáo, bởi đó là một trong những mắt xích giúp học trò tiếp cận bài tốt hơn và các thầy cô tiếp cận với nhiều hệ thông tin hơn trong ngoài trường học. Bản thân tôi là giáo viên đứng lớp nhiều năm, chuyên dạy đội tuyển toán của nhà trường, áp lực về kiến thức rất nặng nên từ năm học 2018 - 2019 tôi đã kêu gọi phụ huynh hỗ trợ đầu tư cho lớp dàn máy chiếu, đèn, mạng internet. Từ đó học sinh học hăng say, sôi nổi hơn và có nhiều em được tham gia các kỳ thi lớn, đạt học sinh giỏi quốc gia ở môn Toán, Tiếng Anh, Trạng nguyên Tiếng Việt. Cũng thông qua đó đã tạo phong trào động lực để các lớp khác thực hiện xã hội hóa cơ sở vật chất tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà trường trong công tác dạy và học.

Cô giáo Phạm Thị Thu Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Nê cho biết: Ngay từ đầu các năm học, nhà trường đều xây dựng kế hoạch chỉ đạo cụ thể việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, báo cáo thống kê trong quản lý giáo dục. Đến nay, nhà trường đã trang bị những phương tiện dạy học hiện đại cho 100% số lớp có máy tính, ti vi nối mạng và máy chiếu đa năng để phục vụ công tác dạy và học ở trên lớp. Nhà trường cũng có 2 phòng học tin học với 40 máy kết nối internet cho học sinh. Tổ chức tập huấn kỹ năng soạn thảo văn bản, soạn giáo án điện tử, cách trình chiếu sử dụng bảng thông minh, các phần mềm kế toán, thiết bị, thư viện và các nền tảng dạy học trực tuyến cho tất cả cán bộ, giáo viên. Đến nay, 44/44 cán bộ, giáo viên đã biết soạn thảo văn bản, truy cập internet để tra cứu các thông tin phục vụ cho nhu cầu quản lý và giảng dạy. 100% cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng các modul chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đều đạt yêu cầu. 100% giáo viên sử dụng tốt các nền tảng trên mạng để dạy học trực tuyến khi cần thiết.

Tại Trường THCS Lê Quý Đôn, thầy giáo Nguyễn Ngọc Quang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường chất lượng cao của huyện với nhiệm vụ chính là bồi dưỡng và dạy các em học sinh giỏi, nhiều năm qua nhà trường đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy và học. Nhất là trong thời điểm dịch Covid-19, khi học sinh tạm ngừng đến trường, nhà trường đã huy động xã hội hóa trên 144 triệu đồng để lắp đặt các màn hình ti vi và cài đặt các phần mềm phục vụ giảng dạy. Hiện nhà trường vẫn tiếp tục ứng dụng phần mềm trong giảng dạy và quản lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh và hiệu quả. 100% giáo viên sử dụng thành thạo các thiết bị hiện đại, công nghệ trên môi trường mạng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số là một trong những nội dung của phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập ở huyện Kiến Xương. 

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hiện nay 100% các nhà trường trên địa bàn huyện đã có đường truyền internet. Các giáo viên lên lớp đã thể hiện rõ sự đổi mới phương pháp, xây dựng chủ đề dạy học hợp lý, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Việc sử dụng giáo án điện tử, ứng dụng các phần mềm dạy học tiếp tục được tăng cường, nâng cao hiệu quả giờ dạy. Các trường đã quan tâm việc bố trí, sắp xếp các phòng học bộ môn nhằm sử dụng có hiệu quả các thiết bị đồ dùng được trang bị. Năm học 2021 - 2022, Phòng đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí để các đơn vị mua sắm bổ sung các trang thiết bị như thiết bị phục vụ sinh hoạt bán trú cho trẻ mầm non, ti vi kết nối mạng internet. Trong năm học, cùng với ngân sách được cấp, các địa phương và các nhà trường đã đầu tư trên 25 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất phòng học và trang thiết bị dạy học, đáp ứng công tác dạy và học, hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

 Học sinh thuyết trình trên hệ thống máy chiếu tại Trường Tiểu học Thanh Nê.

Thu Thủy