Thứ 4, 15/01/2025, 12:39[GMT+7]

Chất lính trong thời bình

Thứ 6, 28/04/2023 | 08:06:28
2,680 lượt xem
Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, những thương binh, bệnh binh dù mất đi một phần sức khỏe hoặc mang thương tật song với khí chất người lính Cụ Hồ họ luôn nỗ lực phấn đấu trên mặt trận mới, trở thành những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Cựu chiến binh Trần Văn Thi trân trọng những kỷ vật một thời vào sinh ra tử.

Năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào giai đoạn quyết liệt, cam go nhất, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Lưu Xuân Nhuận (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng) vừa tròn 20 tuổi xung phong lên đường nhập ngũ. Tháng 6/1972, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị; đến tháng 2/1973, ông cùng đồng đội vào chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1975, ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trên đường tiến quân ông bị thương tại Trảng Bom (Đồng Nai) nhưng vẫn cùng đồng đội anh dũng chiến đấu cho đến khi quét sạch tên xâm lược cuối cùng. Năm 1976, ông rời quân ngũ do vết thương tái phát.

Công ty Cổ phần Thương binh 27/7 của cựu chiến binh Lưu Xuân Nhuận tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động.

Trở về quê hương với những vết thương còn hằn trên cơ thể, người lính can trường Lưu Xuân Nhuận tập trung phát triển kinh tế. Ông học nghề cơ khí và làm việc tại Hợp tác xã cơ khí Đông Hưng. Đến năm 2005, ông mở xưởng cơ khí tại Phố Tăng (xã Phong Châu, huyện Đông Hưng). Năm 2014, ông thành lập Công ty Cổ phần Thương binh 27/7, chuyên bán và sửa chữa máy móc nông nghiệp. Với uy tín và tay nghề cao, Công ty của ông được nhiều khách hàng trên khắp cả nước tin tưởng. Hiện nay Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động, chủ yếu là con em thương binh, bệnh binh với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. 

Với phẩm chất người lính Cụ Hồ, thương binh hạng 2/4 Lưu Xuân Nhuận luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Bản thân ông tích cực giúp đỡ các đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, được mọi người yêu quý.

Đến xã Tân Lập (Vũ Thư), nghe câu chuyện của thương binh, bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam Trần Văn Thi mà không khỏi khâm phục ý chí cũng như sự gan dạ của ngưới lính chống Mỹ cứu nước năm xưa. Nhập ngũ năm 1965, chàng trai trẻ đã anh dũng chiến đấu trên nhiều mặt trận. Từ chiến trường Lào, sau đó tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam, đến năm 1979 ông lại tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại Lào Cai. Ở chiến trường nào, chiến sĩ Trần Văn Thi cũng luôn anh dũng chiến đấu. Nhiều lần chết đi sống lại, ông may mắn trở về quê hương với nhiều vết thương trên cơ thể. Phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông luôn gương mẫu, chấp hành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, cựu chiến binh Trần Văn Thi đã có nhiều năm tham gia công tác tại địa phương và trải qua nhiều chức vụ. Hiện ông đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Tân Lập. Công việc vất vả, phụ cấp thấp nhưng ông luôn nhiệt tình, hăng hái đóng góp xây dựng các phong trào của địa phương. Đặc biệt, ông luôn tích cực vận động nhân dân và người có công thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Hình ảnh người cựu chiến binh gần 80 năm tuổi đời, 55 năm tuổi đảng luôn cần mẫn, hết lòng vì công việc thực sự là hình ảnh đẹp của những người lính anh hùng trong thời chiến và tỏa sáng giữa thời bình.

Trên mặt trận phát triển kinh tế, cựu chiến binh Nguyễn Trung Lượng luôn nỗ lực cùng đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Liên Giang (Đông Hưng), theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Trung Lượng lên đường nhập ngũ tháng 2/1975. Ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau đó ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia và bị thương. Tháng 10/1982, ông xuất ngũ trở về quê hương. Xác định “thương binh tàn nhưng không phế”, phải cố gắng làm được điều gì đó đóng góp cho xã hội, ông chịu khó học hỏi, tham gia công tác tại địa phương và tập trung kinh doanh, phát triển kinh tế. Nhờ có kinh nghiệm quản lý tài chính khi còn trong quân ngũ, ông đã cùng một số người bạn thành lập Quỹ Tín dụng nhân dân Liên Giang và công tác ở đó từ năm 1996 đến nay. Trải qua không ít khó khăn, thăng trầm, đến nay Quỹ Tín dụng nhân dân Liên Giang do ông làm Giám đốc đã đạt được những kết quả hết sức tự hào với tổng nguồn vốn đạt 355 tỷ đồng. Với cương vị Bí thư Chi bộ, Giám đốc Quỹ, cựu chiến binh Nguyễn Trung Lượng luôn xác định và ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, sâu sát trong công việc, lãnh đạo đơn vị thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ. Bản thân ông có nhiều sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nhờ đó hoạt động kinh doanh của Quỹ luôn an toàn, hiệu quả và có lợi nhuận. Hiện ông còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Thái Bình.

Đất nước hòa bình, non sông thu về một mối nhưng chính những năm tháng gian khổ, ác liệt trong kháng chiến đã tôi luyện cho các cựu chiến binh ý chí và nghị lực trong cuộc sống. Họ đã vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên trở thành những người đi đầu trong các phong trào thi đua tại địa phương. Thật đáng quý và trân trọng biết bao bởi những con người ấy không chỉ góp công lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mà còn tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

Đỗ Hồng Gia

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày