Phụ nữ Thái Bình: Hậu phương chống Mỹ
Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cả nước có chiến tranh. Chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng nhất của toàn dân tộc. Trong bối cảnh nam giới ra tiền tuyến, việc phát huy cao độ truyền thống cách mạng, trí sáng tạo và khả năng lao động của phụ nữ ở hậu phương là một yêu cầu đặc biệt quan trọng.
Theo hồi tưởng của bà Đoàn Thị Chinh, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Phát huy truyền thống cần cù, dũng cảm và khả năng lao động dồi dào của phụ nữ trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam hình thành và phát triển kể từ khi có Đảng, lại được gợi mở bởi nhiều phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ Thái Bình quyết xả thân vì nghĩa lớn. Nhiều nữ thanh niên viết đơn tình nguyện, xung phong làm thêm những công việc vốn của nam giới, sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu…
Chỉ sau một thời gian ngắn phát động đã có 270.000 phụ nữ ở khắp các thôn, xóm, trường học, nhà máy, công - nông trường, cơ quan, xí nghiệp hưởng ứng tham gia học tập, đăng ký thực hiện phong trào “Ba đảm đang”. Hàng nghìn phụ nữ có chồng, con đang chiến đấu ngoài mặt trận đã làm đơn xin cho chồng, con mình được kéo dài thời gian tại ngũ; được nhập ngũ, tái ngũ lên đường đánh Mỹ. Các chị ở nhà vừa chăm lo gia đình, chăm sóc bố mẹ già, nuôi dạy con vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, xây dựng hậu phương vững chắc chi viện cho tiền tuyến. Từ nông thôn đến thành thị, trên ruộng đồng, trong xưởng máy, ngoài trận địa… đâu đâu cũng có phụ nữ “Ba đảm đang”. Phụ nữ nông dân “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng” trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”; ra sức học tập và ứng dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hăng say cải tiến nông cụ, làm thủy lợi, phân bón, thả bèo hoa dâu, cải tạo ruộng đồng, thâm canh tăng năng suất… làm nên những cánh đồng “5 tấn thóc để góp phần đánh Mỹ”. Chị em ở các lĩnh vực khác cũng không ngừng phấn đấu vươn lên đạt “Ba điểm cao”, “Dạy giỏi”, “Lương y như từ mẫu”, bảo đảm giao thông thông suốt… Với gia đình, các chị vẫn đảm nhận tốt vai trò dâu thảo, vợ đảm, mẹ hiền, hậu phương vững chắc của chồng, con, tham gia công tác xã hội. Toàn tỉnh có trên 100 chị làm bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã; 280 chị làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 1.100 chị làm đội trưởng sản xuất; xuất hiện nhiều canh điền giỏi, kiện tướng chăn nuôi...
Ông Cao Minh Hoạt, thương binh thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng) cho biết: Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, cũng như hàng vạn thanh niên Thái Bình, tôi xung phong vào bộ đội. Chúng tôi biết rằng, phía sau mỗi người lính lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc có sự hy sinh thầm lặng và cao cả của những người vợ, người mẹ luôn là hậu phương vững chắc để người ra tiền tuyến vững vàng tay súng.
Nối tiếp truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, phụ nữ Thái Bình đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu với tinh thần gan dạ, thông minh, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Hàng chục nghìn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Ðến nay, vẫn còn vang mãi câu chuyện về những cô gái của Đại đội 4 dân quân gái tập trung huyện Tiền Hải, Ðại đội pháo cao xạ 37 ly thị xã Thái Bình chiến đấu gan dạ, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, 7 cô gái Hưng Nhân chỉ với 8 viên đạn đã bắn rơi 1 máy bay không người lái của Mỹ… Đã có 85.000 chị đạt danh hiệu “Ba đảm đang”... góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của các thế hệ đi trước, phụ nữ ngày nay đang tiếp tục có vai trò và đóng góp quan trọng trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phương Chi
Tin cùng chuyên mục
- Danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn: Nguồn cảm hứng về tinh thần hiếu học 06.10.2024 | 17:20 PM
- Lời thề yêu nước 09.07.2024 | 10:56 AM
- Hoàng Kỳ - người chiến sĩ cộng sản kiên trung 30.06.2024 | 23:35 PM
- Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên 05.05.2024 | 19:35 PM
- Hai cây đại cổ - linh hồn của làng quê Đồng Thanh 26.04.2024 | 13:47 PM
- Gắn kết hai vùng quê danh tướng 03.04.2024 | 10:07 AM
- Người cầm cờ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 15.12.2023 | 17:48 PM
- Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có 25.10.2023 | 09:01 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiền Hải: Phát huy truyền thống, phấn đấu vươn xa 06.10.2023 | 08:48 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh