Thứ 6, 22/11/2024, 00:21[GMT+7]

Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, xây dựng Thái Bình phồn vinh, hạnh phúc

Chủ nhật, 30/04/2023 | 06:16:39
6,075 lượt xem
Tự hào với tinh thần cách mạng tiến công của chiến thắng 30/4 cùng những đóng góp xứng đáng vào thành quả cách mạng của cả nước gần nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đang phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Những năm tháng hào hùng

48 năm đã trôi qua, nhưng khí thế hào hùng của ngày non sông thu về một mối, Bắc Nam liền một dải vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những người con quê lúa Thái Bình trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. 

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Bản (phường Đề Thám, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Tôi nhập ngũ năm 1970, biên chế tại Trung đoàn 13, Sư đoàn 571, Bộ Tư lệnh 559 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng đặc biệt, súng đạn, quân tư trang… trên tuyến lửa Trường Sơn ác liệt chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhưng vinh dự nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đầu năm 1975, không khí trên các chiến trường đã rất sôi động, chúng tôi cảm nhận được khí thế tấn công và hướng phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Trong 2 tháng 3 - 4/1975, tin thắng lợi từ chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế - Đà Nẵng càng cổ vũ cho ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân ta bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trưa ngày 30/4/1975, đoàn xe của chúng tôi tiến vào Sài Gòn trong niềm vui vỡ òa khi nghe tin đại thắng. Toàn dân đổ ra đường với khí thế hừng hực, ôm nhau mừng chiến thắng. Trong thời khắc lịch sử ấy, tôi và đồng đội rưng rưng nước mắt biết mình đã hoàn thành sứ mệnh của người chiến sĩ lái xe Trường Sơn nhưng cũng đau đáu nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống không đợi được đến ngày toàn thắng của dân tộc.

Cũng vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh, xã Hà Giang (Đông Hưng) vẫn nhớ như in thời khắc ông cùng đồng đội hành quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ông kể: Tôi nhập ngũ tháng 8/1973 biên chế ở Tiểu đoàn 12 pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 28, Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ. Thời điểm đó, Hiệp định Paris đã được ký kết nhưng tình hình chiến sự vẫn rất căng thẳng nên khi chúng tôi nhận lệnh bổ sung vào quân đội trong tâm thế rất phấn khởi, chỉ có ước nguyện duy nhất được tham gia chiến đấu sớm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh chặn các lực lượng xâm chiếm của quân ngụy mở rộng địa bàn khu vực Đông Nam Bộ, làm bàn đạp cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, mọi tin tức ngày đó bí mật lắm, tối ngày 25/4/1975 khi hành quân tiến sát Hóc Môn đơn vị tôi mới nhận được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, anh em chiến sĩ phấn khởi lắm. Sáng ngày 29/4, đơn vị tôi hành quân từ Hóc Môn đánh vào trung tâm thành phố, đến 9 giờ 30 phút ngày 30/4 thì đánh vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn và khi chiếm lĩnh được Tổng nha Cảnh sát cũng là lúc nghe tin Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Cả đơn vị ai cũng òa khóc, vui mừng, sung sướng bởi sau 21 năm anh dũng chiến đấu, toàn thắng đã về ta, đất nước thống nhất, nhưng chúng tôi cũng bâng khuâng, đau xót, tiếc nuối khi nghĩ về những đồng đội đã hy sinh. Lúc bấy giờ, chúng tôi đã nhờ thợ ảnh chụp vội bức ảnh kèm tin nhắn mình còn sống gửi về báo tin vui cho gia đình. Sau gần nửa thế kỷ hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước, quê hương có sự đổi thay diệu kỳ nhờ vào đường lối lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng ta và sự hy sinh của lớp lớp thế hệ đã không tiếc máu xương ngã xuống cho Tổ quốc nở hoa độc lập. Vì vậy, chúng tôi nguyện giữ vững phẩm chất, bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ tích cực cống hiến xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu mạnh.

Thóc thừa cân, quân vượt mức

Thái Bình là miền quê giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Trong hành trình 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy oanh liệt, Ðảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” đã huy động cao nhất sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến. Gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Tiếp nối truyền thống anh hùng, bất khuất, những người con ưu tú của Thái Bình lại điểm thêm những dấu son mới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu là: Anh hùng Phạm Tuân bắn rơi pháo đài bay B52 của Mỹ, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ; nhiều nhà tình báo lừng danh như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Quốc Sắc, Trần Văn Lai, Vũ Hữu Ruật; Bùi Quang Thận - người cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975…

Thi đua với tiền tuyến, ở hậu phương, quân và dân toàn tỉnh “vững tay cày, chắc tay súng” vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, đưa Thái Bình trở thành “quê hương 5 tấn”, là niềm tự hào, biểu tượng về tinh thần thi đua lao động sản xuất nông nghiệp của toàn miền Bắc. Thái Bình cũng đã chi viện trên 1,5 triệu tấn lương thực, thực phẩm, đóng góp gần 1,8 triệu ngày công cho tiền tuyến. Trong khói lửa chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đã tổ chức tốt công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; anh dũng đánh trả 1.064 trận bằng không quân, hải quân của giặc Mỹ; bắn rơi 44 máy bay, bắn bị thương 4 tàu chiến. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, cuối năm 1966, đầu năm 1967, Thái Bình vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lần thứ năm. Bác rất vui trước những tiến bộ của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình. Người căn dặn: “Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.


Bứt phá vươn lên

48 năm sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt trên hành trình hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã năng động, sáng tạo khai thác các tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ thời cơ, vượt qua mọi thách thức đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Thái Bình đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Kinh tế liên tục đạt mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô và tiềm lực nền kinh tế không ngừng được nâng lên.

“Quê hương 5 tấn” xưa kia, nay đã không ngừng phát triển và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với diện mạo mới, sức sống mới. Đến hết năm 2022, 25 xã được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới nâng cao, đang tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều đổi mới trong tư duy lãnh đạo, chỉ đạo tập trung tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

Cùng với đó, Thái Bình triển khai quyết liệt, linh hoạt công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Trong đó, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã cơ bản hoàn thành thu hút được trên 730 triệu USD, có dự án đã đi vào hoạt động. Khu công nghiệp Hải Long đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tỉnh đang tích cực hoàn thiện các điều kiện để trình phê duyệt chủ trương đầu tư khu công nghiệp Tân Trường; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch phân khu: khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng Cồn Vành - Cồn Thủ, khu công nghiệp Trà Xuyên, khu phố biển Đồng Châu… Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ mở ra một giai đoạn mới, tạo đà để Thái Bình bắt nhịp với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong cả nước.


Thái Bình đang trong hành trình thực hiện mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Mục tiêu này đi kèm với tầm cao mà Thái Bình hướng đến là tầm cao của trí tuệ đặt trên nền tảng những giá trị đạo đức nhân văn, là tầm cao của đổi mới, sáng tạo trên nền tảng những giá trị văn hóa, truyền thống được phát huy trong thời kỳ mới. Các nhà đầu tư không chỉ đến với Thái Bình bởi những điều kiện thuận lợi về tự nhiên và khả năng sinh lời mà họ đến đây bởi sự yêu quý và đặt niềm tin về truyền thống yêu nước, cách mạng của mảnh đất và con người nơi đây được hun đúc, nuôi dưỡng từ bao đời nay. Vì vậy, những bài học vô giá từ chiến thắng lịch sử 30/4 và những bài học 48 năm hòa bình độc lập sẽ luôn được trân trọng, gìn giữ, phát huy trong xây dựng quê hương ở thời kỳ mới. 

Bằng tình yêu, niềm tin, sự đoàn kết, bằng trí tuệ và tinh thần đổi mới, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình sẽ viết tiếp bản hùng ca 30/4 xây dựng quê hương ổn định vững chắc về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Cụm công nghiệp Đô Lương (Đông Hưng) thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất.

Sản xuất tại Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor. 

Mạnh Cường