Thứ 6, 22/11/2024, 10:39[GMT+7]

Làng Lại Trì - xưa và nay

Chủ nhật, 30/04/2023 | 09:26:10
10,995 lượt xem
Mảnh đất và con người xã Tây Sơn (Kiến Xương) nay, làng Lại Trì xưa có truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm. Phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, ngày nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Sơn ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Đền làng Lại Trì ngày nay.

Ngược dòng lịch sử

Dân gian có câu “Thứ nhất Lại Trì, thứ nhì Dương Liễu” ý nói hai làng này rộng nhất tỉnh Thái Bình, lại có câu “Thứ nhất Lại Trì, thứ nhì Động Trung” ý nói hai làng này đông dân nhất phủ Kiến Xương. Từ thời nhà Nguyễn đến nay, Lại Trì đã nhiều lần được chia nhỏ, sáp nhập để hình thành nên các đơn vị hành chính cấp xã ngày nay gồm Vũ Đông, An Bình, Tây Sơn (sáp nhập Vũ Tây và Vũ Sơn). 

Ông Bùi Xuất Chúng, thôn Quang Minh cho biết: Đến giờ tôi không thể nào quên được những sự kiện vui buồn của làng Lại Trì xưa. Năm 1945, nhân dân Lại Trì sống trong cảnh làng xóm tiêu điều, xơ xác, ăn cháo cám, củ chuối thay cơm, qua mỗi đêm lại thêm bao nhiêu người chết đói, nhiều nhà chết đói đến 5 - 7 người, nhiều gia đình bỏ làng ra đi tha phương cầu thực để mong thoát chết đói. Hậu quả năm 1945, Lại Trì có 952 người chết đói, 246 người chết bệnh dịch, chiếm hơn 1/4 dân số toàn xã. Tổn thất to lớn do nạn đói gây ra làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với phát xít Nhật ngày càng gay gắt, nhân dân Lại Trì nhận thấy càng phải đoàn kết đứng lên đi theo cách mạng, quyết chiến đấu kẻ thù cướp nước và bán nước để giành lại cuộc sống ấm no, tự do và độc lập. Từ đó, các đoàn thể cứu quốc được thành lập, nhân dân Lại Trì treo cờ đỏ sao vàng, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, tuyên truyền chương trình và điều lệ của Mặt trận Việt Minh ở khắp làng. Ngày 25/8/1945 tại sân đình Lại Trì, hơn 500 người mang cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu, tổ chức thành cuộc mít tinh lớn. Trước sức mạnh của quần chúng nhân dân, bọn cường hào, lý dịch đã phải nộp toàn bộ sổ sách, triện đồng cho chính quyền nhân dân, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Từ thực tiễn của phong trào cho thấy, nhân dân Lại Trì đã nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Đây thực sự là cuộc khởi nghĩa của quần chúng, dùng lực lượng chính trị và đấu tranh chính trị là chủ yếu để giành chính quyền.

Một trong những người viết cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tây Sơn, ông Hoàng Văn Lục, Phó Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã cho biết: Trải qua các thời kỳ từ khi mang tên Lại Trì đến xã Tây Hồ, Vũ Tây và Tây Sơn ngày nay đều để lại dấu ấn ở các chặng đường phát triển. Nổi bật là hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, toàn xã đã thu được 3.730kg gạo để cứu đói. Nhân dân còn thi đua học tập sớm được công nhận là xã thanh toán xong nạn mù chữ vào tháng 6/1948. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây không chỉ đóng góp sức người sức của mà còn đạt nhiều thành tích về y tế, sản xuất nông nghiệp và là một trong những xã đạt 5 tấn thóc đầu tiên của tỉnh. Đảng bộ và nhân dân xã đã vinh dự được nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp.


Khơi nguồn nội lực

Ông Tạ Xuân Khiết, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Tây Sơn đã và đang có những khởi sắc về mọi mặt. Trong phát triển kinh tế, Tây Sơn đặc biệt coi trọng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tận dụng thế mạnh là xã có giống lúa nếp truyền thống nổi tiếng để phát triển lúa hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao. Mặc dù năng suất lúa thấp nhưng với giá bán bình quân 13.000 đồng/kg thóc và 25.000 đồng/kg gạo, người dân thu về cao gấp 1,5 lúa thường nên đã duy trì cấy 100ha/vụ. Đến nay, sản phẩm gạo nếp truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, chuẩn bị cho ra sản phẩm gạo đóng túi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, Tây Sơn đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã đang tập trung rà soát, huy động nguồn lực hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, nhất là hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, cơ sở giáo dục, công trình phúc lợi. Cùng với đó xác định truyền thống của vùng đất cổ có đình, đền làng Lại Trì là những công trình kiến trúc độc đáo thờ Dương Không Lộ - quốc sư thời Lý và thân mẫu của ngài là ngư gia Nguyễn Thị. Do đó vấn đề bảo tồn cơ sở vật chất ở đình, đền, chùa luôn được chính quyền quan tâm, bảo đảm hoạt động tự do tín ngưỡng của nhân dân. Hàng năm địa phương đều tổ chức lễ hội truyền thống đình làng thu hút hàng nghìn người dân và khách thập phương các nơi về dự.

Ông Khiết cho biết thêm: Là xã rộng có 13 thôn, trên 13.500 khẩu mặc dù gặp nhiều khó khăn do sáp nhập xã nhưng Đảng ủy, UBND xã đã có nhiều giải pháp để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ giàu đạt khoảng 40%, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.


Ông Trần Văn Nhật, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn

Chúng tôi sẽ ghi nhớ và luôn tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của làng Lại Trì xưa, Tây Sơn ngày nay. Bước sang giai đoạn mới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả những thành tựu kinh nghiệm đã có, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội, quyết tâm xây dựng Tây Sơn phát triển toàn diện.


Chị Nhâm Thị Út, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tây Sơn

Là thế hệ trẻ, thời gian qua chúng tôi đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Đoàn Thanh niên xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, hoạt động, phần việc thanh niên, nhất là tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, bảo vệ môi trường để vươn sức trẻ đến mọi nơi, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Thu Thủy