Thứ 2, 06/05/2024, 01:34[GMT+7]

Phụ nữ hợp sức xây dựng mô hình kinh tế tập thể

Thứ 3, 16/05/2023 | 08:38:32
2,842 lượt xem
Nhằm khuyến khích phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể (KTTT) do phụ nữ quản lý. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả.

Thành viên tổ hợp tác may gia công xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) làm việc tại xưởng may.

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 1/2019 với 49 thành viên, vượt qua nhiều khó khăn, hiện HTX Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt xã Đông Kinh (Đông Hưng) có gần 70 thành viên, hoạt động ngày càng ổn định, mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong HTX có 14 chị trực tiếp tham gia thu gom rác. 

Bà Bùi Thị Niềm, thành viên HTX cho biết: Mỗi tuần tổ thu gom rác thải của HTX thu rác 2 buổi vào thứ năm và chủ nhật. Ngoài những ngày thu rác hay thực hiện các công việc khác của HTX, chúng tôi cũng trồng trọt, chăn nuôi để có thêm thu nhập. Niềm vui của chúng tôi sau mỗi buổi thu gom rác là thấy đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, bà con phấn khởi, ủng hộ.

Năm 2017, chị Đặng Thị Hồng Hạnh, thôn Thống Nhất, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) tranh thủ sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã thành lập tổ hợp tác may gia công. Chị Hạnh cho biết: Tôi thành lập tổ hợp tác này với mục đích vừa thêm thu nhập cho gia đình và các thành viên vừa giúp đỡ những chị em cơ nhỡ, khó khăn, con nhỏ không đi làm công ty được. Khi vào tổ hợp tác tất cả thành viên và người tham gia sản xuất cùng nhau phấn đấu, tạo ra được những sản phẩm chất lượng cao đến tay khách hàng. Bởi vậy, dù mấy năm qua ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các đơn hàng của tổ không bị ảnh hưởng nhiều, thu nhập vẫn bảo đảm cho thành viên và công nhân.

Còn tại xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình), dưới sự hỗ trợ của các cấp hội đã có 2 tổ hợp tác của phụ nữ được thành lập. Từ chỗ manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào các tổ hợp tác, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của hội viên được nâng lên, quan trọng hơn là chị em đã cùng đoàn kết, chia sẻ vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. 

Chị Trần Thị Lan Anh, Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Đông cho biết: Hội đã lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực để thành lập tổ hợp tác làm sao có thể thu hút đông chị em tham gia. Hiện xã có 2 tổ hợp tác may gia công và đan ghế nhựa, chị em đều có thể mang nguyên liệu về nhà, tranh thủ mọi thời gian, huy động các thành viên trong gia đình cùng làm để có thêm thu nhập.

Phát triển KTTT do phụ nữ làm chủ đang là một trong những hướng đi vững chắc mà các cấp hội phụ nữ triển khai. Theo rà soát của Hội LHPN tỉnh, toàn tỉnh có 47 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã do phụ nữ quản lý phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương như: rau màu, may mặc, chăn nuôi, chế biến nông sản, dược liệu... Theo thành viên của các mô hình KTTT, trước khi vào HTX, tổ hợp tác, mô hình kinh tế của chị em đều nhỏ lẻ, vốn ít, gặp nhiều khó khăn trong mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Khi tham gia liên kết sản xuất là bước ngoặt lớn để chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm. Các cấp hội đồng hành cùng chị em trong hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm...

Nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả

Bà Phạm Thị Chìu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt xã Đông Kinh cho biết: Cái được lớn nhất khi thành lập mô hình KTTT do phụ nữ quản lý là tổ chức hội đã thể hiện được thế mạnh của mình trong việc tập hợp, thu hút chị em. Khi triển khai các phong trào, hoạt động qua mô hình KTTT cũng thuận lợi hơn do bộ phận quản lý, thành viên của các mô hình chủ yếu là cán bộ hội, hội viên nòng cốt. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình KTTT còn nhiều khó khăn, tôi mong các cấp hội sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyên môn để chị em có thêm kỹ năng quản lý tài chính, quản trị kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển mô hình KTTT trong thời kỳ mới.

Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh xác định việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp bền vững, nhất là việc chị em liên kết để tham gia phát triển KTTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hội LHPN tỉnh cùng hội phụ nữ ở cơ sở động viên, hỗ trợ chị em, đặc biệt những chị em có tiềm năng phát triển phải nắm bắt kịp thời, giải thích, hướng dẫn để chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp. Cán bộ hội phụ nữ các cấp tập trung giúp đỡ chị em ngay từ ý tưởng đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh, giúp đỡ kịp thời và đúng trọng tâm. Hội cũng tạo điều kiện cho chị em tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng thông qua phối hợp với các hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, chương trình, dự án, doanh nghiệp hỗ trợ vay vốn.

Để duy trì, phát triển của các mô hình KTTT, cần có sự quan tâm của hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương. Điều này được khẳng định khi đề án của Chính phủ “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” đã được khởi động vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Được tiếp sức, các mô hình KTTT tiếp tục giúp chị em hình thành tư duy, năng động, sáng tạo hơn trong quá trình vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, đồng thời đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Thành viên HTX Dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt xã Đông Kinh (Đông Hưng) thu gom rác thải tại các khu dân cư. 

Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày