Thứ 7, 27/04/2024, 14:51[GMT+7]

Hướng tới an ninh lương thực bền vững

Thứ 7, 20/05/2023 | 09:21:59
754 lượt xem
Liên hợp quốc hoan nghênh việc Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tiếp tục được gia hạn, song lưu ý rằng còn nhiều vấn đề mà Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc cần tiếp tục thảo luận. Hơn 30 triệu tấn hàng hóa đã được xuất khẩu an toàn theo sáng kiến này, góp phần quan trọng vào ổn định tình hình an ninh lương thực trên toàn cầu.

Ảnh minh họa. (Nguồn: REUTERS)

Theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đạt được hồi tháng 7/2022 do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, cùng với thỏa thuận mà Nga và Ukraine ký riêng rẽ liên quan bảo đảm an toàn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, còn có bản ghi nhớ về việc tạo thuận lợi cho việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới. Sáng kiến này đã hai lần được gia hạn và có hiệu lực đến ngày 18/5.

Một ngày trước khi thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen hết hiệu lực, ngày 17/5, các bên xác nhận nhất trí tiếp tục thực hiện Sáng kiến thêm 60 ngày. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc Nga tiếp tục tham gia Sáng kiến và nhấn mạnh đây là "tin tốt cho thế giới". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ nỗ lực của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng sự ủng hộ của Nga và đóng góp của Ukraine đã giúp các bên đi đến quyết định gia hạn thỏa thuận quan trọng này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn hai tháng nhằm hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn. Moskva khẳng định, thông qua việc gia hạn thỏa thuận, Nga góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, giúp những nước cần hỗ trợ nhất bằng hành động, chứ không phải lời nói. Đại diện chính quyền Ukraine cũng hoan nghênh việc Sáng kiến được duy trì.

Hơn 30 triệu tấn hàng hóa, trong đó có thực phẩm và phân bón, đã được xuất khẩu an toàn theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.


Trong báo cáo mới nhất, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Martin Griffiths cho biết, hơn 30 triệu tấn hàng hóa, trong đó có thực phẩm và phân bón, đã được xuất khẩu an toàn theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Trong các chuyến hàng, có khoảng 600.000 tấn lúa mì do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vận chuyển nhằm hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nhân đạo ở các nước như Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia và Yemen.

Cũng theo ông Griffiths, tháng 4 vừa qua, giá lúa mì trên thế giới đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021, một phần nhờ việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine và số lượng lớn hàng hóa xuất khẩu có sẵn ở Nga và các địa điểm khác.

Trước đó, Nga cảnh báo rút khỏi thỏa thuận và nêu rõ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen chưa được thực hiện đầy đủ, khi các chuyến hàng lương thực, phân bón xuất khẩu của Nga vẫn bị cản trở.

Cuộc xung đột tại Ukraine đẩy giá lương thực tăng lên mức kỷ lục vào năm 2022. Hoạt động vận chuyển gián đoạn do xung đột khiến nhiều quốc gia phụ thuộc nhập khẩu ngũ cốc chịu nhiều tổn thất, làm trầm trọng thêm thách thức kinh tế, đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh đói nghèo, mất an ninh lương thực. Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) nêu rõ, các quốc gia vùng Sừng châu Phi đang bước vào mùa giáp hạt, trong đó có Somalia, quốc gia nhập 90% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine, bị nạn hạn hán bủa vây và cận kề bờ vực của nạn đói.

Khẳng định tầm quan trọng của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine và Nga góp phần "nuôi sống thế giới". Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nêu bật sự cần thiết duy trì và mở rộng Sáng kiến, tiến tới một thỏa thuận toàn diện và lâu dài hơn, góp phần ổn định an ninh lương thực toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày