Chủ nhật, 19/05/2024, 22:12[GMT+7]

Sáng tạo trong chuyển đổi số

Thứ 6, 26/05/2023 | 15:08:55
1,255 lượt xem
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến. Các doanh nghiệp, tổ chức, người dân đã tận dụng lợi thế của CĐS để thay đổi cách thức, phương thức hoạt động một cách hiệu quả, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều sáng kiến, cách làm hay trong CĐS

Tháng 1/2022, Thái Bình chính thức triển khai ứng dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Đến nay, 100% cán bộ, đảng viên khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, trường học và trên 85% cán bộ, đảng viên khối xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”; 98% đảng bộ, chi bộ đã áp dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” trong sinh hoạt chi bộ; 50% cán bộ, đảng viên đã tham gia học tập nghị quyết trên phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”. Phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và chất lượng đảng viên.

Cán bộ, đảng viên huyện Quỳnh Phụ tích cực sử dụng phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử”.

Trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, nhiều cách làm hay, sáng tạo được doanh nghiệp, trường học, người dân sáng tạo và áp dụng hiệu quả. Tại các doanh nghiệp, ngoài ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động đã tận dụng nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong quản lý con người, trao đổi công việc. Tại các trường học, giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, áp dụng hiệu quả mô hình tiết học thông minh với máy móc hiện đại được kết nối internet trong giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh, qua đó nâng cao chất lượng giờ học.

Cùng với các tổ chức, đơn vị, người dân cũng đã tận dụng lợi thế của CĐS để ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Từ việc ứng dụng hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng đến việc giới thiệu các sản phẩm thông qua sàn giao dịch điện tử, qua các ứng dụng facebook, zalo... góp phần tăng doanh thu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tập trung CĐS trong nông nghiệp

Năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia. Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh đã ban hành kế hoạch hoạt động CĐS, trong đó tập trung triển khai nền tảng dữ liệu số, nhất là dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc để hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra. 

Ông Vũ Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Sở Thông tin và Truyền thông tích cực phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện kế hoạch CĐS của tỉnh để hoàn thành các chỉ tiêu tỉnh giao về dữ liệu số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đối với việc triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc tỉnh Thái Bình, Sở yêu cầu VNPT Thái Bình tích cực, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện thí điểm “Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình” với mục tiêu hỗ trợ tốt nhất công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh.

Để triển khai hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch cụ thể và triển khai tới các đơn vị trong ngành. 

Ông Đào Xuân Hiệu, Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp tỉnh là hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu toàn diện, hỗ trợ báo cáo tập trung, góp phần định hướng, xây dựng kế hoạch, phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành nông nghiệp. Việc triển khai hệ thống bắt đầu từ tháng 4, đến nay Sở tích cực phối hợp với VNPT Thái Bình tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp, chú trọng đến 8 phân hệ gồm: Trồng trọt và bảo vệ thực vật; thủy sản; chăn nuôi và thú y; kiểm lâm; phát triển nông thôn; quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản; thủy lợi và phòng, chống thiên tai; khuyến nông. Khi cơ sở dữ liệu của ngành được xây dựng sẽ bảo đảm kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh. Đối với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, đến nay toàn tỉnh có 112 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc và công nhận sản phẩm OCOP. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố triển khai đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, tiến tới công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh, từ đó khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp Thái Bình.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thái Bình được truy xuất nguồn gốc, công nhận sản phẩm OCOP.

Với quyết tâm tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, Thái Bình xây dựng lộ trình và bước đi phù hợp trong hoạt động CĐS; các sở, ngành, địa phương chủ động trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh để đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử Thái Bình (http://ecthaibinh.com).

Nguyễn Cường