Thứ 7, 02/11/2024, 15:17[GMT+7]

Thúc đẩy đàm phán nhằm đạt thỏa thuận chống ô nhiễm rác thải nhựa

Chủ nhật, 04/06/2023 | 18:10:39
1,471 lượt xem
Xử lý ô nhiễm nhựa là thông điệp Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) lựa chọn làm chủ đề cho Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm 2023. Lời kêu gọi bảo vệ hành tinh trước mối đe dọa nguy hiểm này được đưa ra trong bối cảnh các nước đang thúc đẩy đàm phán nhằm đạt thỏa thuận chống ô nhiễm rác thải nhựa vào năm 2024.

Một lượng lớn rác thải nhựa trôi dạt vào bờ cảng ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 19/11/2018. (Ảnh: Reuters)

Trong thông điệp gửi tới phiên đàm phán diễn ra tại thủ đô Paris từ ngày 29/5 đến 2/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, ô nhiễm nhựa là “một quả bom hẹn giờ và cũng là một thảm họa”. 

Thật vậy, thế giới đang hứng chịu hệ lụy từ việc tiêu thụ, sản xuất nhựa không bền vững, xử lý rác thải và tái chế kém hiệu quả. 

Các nhà khoa học cảnh báo, hầu hết rác thải nhựa không bị phân hủy trong hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Trong khi đó, các vật liệu nhựa bị xói mòn sẽ tồn tại dưới dạng hạt vi nhựa, bị cá và nhiều loại sinh vật hấp thụ, từ đó nhanh chóng xâm nhập chuỗi thực phẩm toàn cầu. 

Theo UNEP, khoảng 460 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm. Con số này có thể tăng gấp ba lần vào năm 2060. Đáng lo ngại là hiện có khoảng hai phần ba lượng nhựa sản xuất hằng năm bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần, trong khi chưa đến 10% được tái chế.

Nghiên cứu của Viện 5 Gyres (Mỹ) chỉ ra rằng, lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới tăng mạnh chưa từng thấy kể từ năm 2005. Năm 2019, có khoảng 171.000 tỷ hạt vi nhựa trôi nổi trong lòng đại dương và con số này có thể tăng gấp ba lần vào năm 2040 nếu thế giới không hành động quyết liệt hơn.

Những con số nêu trên phác họa bức tranh u ám về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới hiện nay. Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh, thói quen vứt bỏ đồ nhựa đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bóp nghẹt hệ sinh thái của Trái đất, làm gia tăng biến đổi khí hậu và gây hại cho sức khỏe con người. 

Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, hạt vi nhựa tồn tại ở các vùng đáy biển sâu nhất cho đến những đỉnh núi cao như Everest. Trong cơ thể người, hạt vi nhựa được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai...

Theo nghiên cứu của UNEP, hoạt động sản xuất, sử dụng nhựa có thể thải ra 19% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040. Đây là trở ngại lớn, ngăn cản thế giới hiện thực hóa cam kết trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu về việc giới hạn mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Để bảo vệ Trái đất trước những nguy cơ từ ô nhiễm rác thải nhựa, tháng 3/2022, Liên hợp quốc nhất trí khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa. 

Cuộc đàm phán mới đây ở Paris đánh dấu giai đoạn thứ hai trong năm giai đoạn đàm phán được kỳ vọng sẽ dẫn đến một thỏa thuận lịch sử liên quan việc sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa và xử lý rác thải nhựa. Cuộc đàm phán thu hút hàng nghìn đại biểu đến từ 175 quốc gia và hơn 1.500 nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp… trên thế giới. 

Theo kế hoạch, các giai đoạn đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức trong năm 2023 và 2024, trước khi thỏa thuận được thông qua vào giữa năm 2025.

Tại phiên đàm phán vừa diễn ra tại Paris, các bên liên quan đã thảo luận các quy định như cấm sản phẩm nhựa dùng một lần, giới hạn sử dụng một số hóa chất nhất định, cắt giảm sản xuất và tiêu thụ, cũng như tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất. Mặc dù vẫn tồn tại những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của mỗi quốc gia, song giới phân tích cho rằng, cuộc đàm phán đã khẳng định lại quyết tâm xây dựng một thỏa thuận quốc tế mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm ngăn chặn một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất hành tinh.

Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang đứng trước “cơ hội ngàn năm có một” để cùng nhau đoàn kết và thống nhất các quy định cần thiết giúp ngăn chặn ô nhiễm rác thải nhựa ở cấp độ toàn cầu. Kêu gọi thế giới tăng cường triển khai các biện pháp tái sử dụng và tái chế nhựa, đồng thời thúc đẩy sản xuất các vật liệu thay thế, UNEP khẳng định những nỗ lực này sẽ giúp giảm 80% mức ô nhiễm nhựa hằng năm vào năm 2040 và giảm 50% sản phẩm nhựa sử dụng một lần, qua đó góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày