Chủ nhật, 24/11/2024, 19:38[GMT+7]

Chợ làng ở Thái Bình

Thứ 6, 23/06/2023 | 15:28:56
16,944 lượt xem
Để đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán nông phẩm và nhu yếu phẩm trong nông thôn, hệ thống chợ làng ở Thái Bình hình thành từ rất sớm. Thuở trước đi chợ, xem chợ, chơi chợ không chỉ để thỏa mãn nhu cầu trao đổi, giao thương về sản vật, hàng hóa mà còn là sự giao lưu, giao thoa về văn hóa, tình cảm giữa người trong làng với nhau, giữa làng nọ với làng kia, vùng này với vùng khác.

Ảnh minh họa.

Trong hệ thống chợ làng của Thái Bình nhiều chợ có lịch sử từ rất lâu đời. Theo tài liệu văn bia lưu trữ của Viện Hán Nôm, thuở trước tại đình làng Hà Nguyên, nay thuộc huyện Hưng Hà có một tấm bia cổ ghi chép về việc dựng chợ Phúc Hải. Bia do Hoàng Giáp Đặng Ất, đỗ khoa Mậu Dần đời Lê Chiêu Tông (1518) soạn. Qua văn bia cho biết chợ Phúc Hải được dựng từ xa xưa, đến năm Đại Chính nguyên niên (1530) có sắc chỉ cho mở rộng quy mô, dựng lại hàng quán... Nhiều nguồn tư liệu dân gian và tư liệu thành văn cũng cho thấy có khá nhiều chợ làng ở Thái Bình được khai mở từ thế kỷ XV, XVI.

Lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống chợ làng đã cho thấy phần lớn những làng có quy mô, diện tích lớn, dân số đông thường đặt ở trung tâm làng. Những làng là nơi đặt phủ lỵ, huyện lỵ thường có chợ lớn gọi là chợ phủ, chợ huyện. Các chợ làng liên kết với nhau thành một hệ thống lớn nhỏ khác nhau. Trong vòng bán kính từ 3 - 5km ngày nào cũng có chợ phiên của các làng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của dân làng. Những người buôn thúng bán mẹt có thể quanh năm suốt tháng đi chợ. Loại chợ nhỏ gọi là chợ Hôm, chợ Mai ngày nào cũng họp chợ vào buổi chiều hoặc buổi sáng. Vì không họp thành phiên nên những chợ này hàng hóa không nhiều và lượng người đi chợ cũng không đông lắm, thường là dân làng và những làng lân cận. Hình thức họp chợ Hôm, chợ Mai thường được hình thành tại các lỵ sở và những làng ven biển đánh cá, thích ứng với việc mua bán cá khi đi biển về. Ở những làng lớn, chợ thường họp theo phiên, mỗi tháng có từ 6 - 9 hoặc 12 phiên. Các làng có chợ tự quy định các ngày chợ phiên sao cho không trùng với chợ phiên của những làng lân cận. Chợ làng này họp phiên vào ngày chẵn thì chợ làng kia họp vào ngày lẻ. Các chợ làng gần nhau khi chợ này đến ngày phiên thì chợ kia thưa vắng. Thông thường những chợ lớn thường họp ít phiên, phổ biến là 6 phiên một tháng. Khi những chợ lớn họp phiên thì những chợ nhỏ trùng ngày phiên thường là phiên xép. Ngày họp chợ, vị trí đặt chợ đã đi vào tâm thức dân gian của người dân trong làng, trong vùng. Mấy thập niên gần đây, đã có nơi định đổi phiên chợ vào ngày chủ nhật, những tưởng vào ngày nghỉ khách đến chợ sẽ đông hơn nhưng mãi không thành lại phải quay về chợ phiên truyền thống. Cũng có xã vốn có chợ nhỏ bên cạnh xã có chợ lớn muốn hút khách về chợ xã mình bèn xây chợ khang trang rộng rãi, trước ngày khai trương tổ chức các hình thức tuyên truyền, quảng bá rầm rộ nhưng chung cục chợ phiên hàng tháng vẫn thưa vắng người đến chợ. Có nơi vì địa điểm họp chợ chật hẹp muốn chuyển chợ ra vị trí mới theo quy hoạch khang trang hơn cũng phải mất một thời gian khá dài mới tạo thành thói quen đến ngôi chợ mới. Thuở trước, nhiều chợ phủ, chợ huyện có tường xây, mái ngói. Các dãy mái ngói, lều tranh phân thành khu vực cho từng loại hàng cụ thể, cố định. Chợ lớn thường có bán cả gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà... Chợ nhỏ thường mái rạ lều tranh ngày phiên cũng có bán cả gia cầm và hàng xén.

Đi chợ phiên nhiều khi được coi là một nhu cầu hội họp (họp chợ) và những ngày phiên của các chợ đã đi vào phương ngữ: “Dù cho đường sá xa xăm/Không bỏ chợ Nụ phiên năm, phiên mười”; “Chợ huyện một tháng sáu phiên/Giỏi chạy chân liền đi chợ Ngái Mới”... Hàng hóa tiêu biểu của từng chợ cũng được tục ngữ, ca dao tổng kết như sản vật của từng làng, từng vùng. Ví dụ: “Thuốc lào Khánh Lai, lợn choai chợ Thượng”; “Tậu trâu, tậu bò đi chợ cầu Lê/Muốn tậu nái sề, thì đi chợ Mẽ”; “Tậu trâu, tậu bò thì đi chợ Sóc/Đong gạo, đong thóc thì đi chợ Nang”...

Mặt hàng truyền thống của mỗi chợ gắn với sản xuất và nghề thủ công của từng làng, từng vùng. Chợ vùng trồng cói có chiếu và các mặt hàng chế biến từ đay, cói. Vùng ven biển có sản phẩm biển. Chợ làng có nghề rèn, đúc thì có hàng nông cụ và các vật dụng từ nghề rèn, nghề đúc... Do đó, quá trình giao lưu giữa vùng này với vùng khác qua những phiên chợ làng là nhu cầu tất yếu.

Ở Thái Bình, cũng có loại chợ một năm chỉ họp một phiên. Chợ Giếng làng Trình Phố (Tiền Hải) chỉ họp vào mùng một tết hàng năm. Chợ Tiên làng An Điện (Vũ Thư) chỉ họp vào ngày mùng mười tháng Giêng hàng năm. Chợ Giắng (Đông Hưng) chỉ họp vào mùng hai tết... Loại chợ này thực ra là hình thức hội chợ, du xuân, cầu may hơn là nhu cầu trao đổi hàng hóa mang tính thương mại. Chợ Cồn Trắng (Tiền Hải) ngày nào cũng họp nhưng chỉ có ngày 27 tháng Chạp được coi là chợ phiên. Chợ Quài (Thái Thụy) họp các ngày trong tháng trừ hai ngày mùng ba, mùng bảy là không họp chợ. Chợ Âm Phủ (Quỳnh Phụ) họp tháng 6 phiên nhưng thường chỉ họp vào ban đêm...

Theo các tài liệu địa chí cũ thì đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX Thái Bình có khoảng hơn 180 chợ làng. Vào những năm 1930 - 1935, tác giả Dương Thiệu Tường đã viết trong mục thương mại của sách “Tỉnh Thái Bình” về 50 chợ lớn ở Thái Bình gồm:

- Phủ Kiến Xương có 2: chợ Sóc, làng Động Trung gọi là chợ Phủ, chợ làng Trình Phố gọi là chợ Huyện.

 - Phủ Thái Ninh có 6: chợ làng Long Mỹ gọi là chợ Phủ, chợ Đống ở làng Đông Các, chợ Thượng ở làng Phúc Khê Tiền, chợ Chùa Cân ở làng Cầu Nhân, chợ Tây ở làng Thần Huống, chợ Bái ở làng Lễ Thần.

- Phủ Tiên Hưng có 3: chợ làng Thần Khê gọi là chợ Phủ, chợ Quếch ở làng Khánh Lai, chợ Khô làng Nguyên Lâm.
- Huyện Thư Trì có 2: chợ Thông ở làng Bình An, chợ Búng ở làng Mỹ Lộc.

- Huyện Tiền Hải có 6: chợ Ngoại Đê ở làng Ngoại Đê, chợ Hướng Tân ở làng Hướng Tân, chợ Cây Xanh ở làng Ốc Nhuận và làng Hải Nhuận, chợ Tiểu Hoàng ở làng Tiểu Hoàng, chợ Trung Đồng ở làng Trung Đồng, chợ Nam Đồng ở làng Nam Đồng.

- Huyện Vũ Tiên có 5: chợ Mễ ở làng Ô Mễ, chợ Mét ở làng Cổ Việt, chợ Bồng ở làng Bồng Tiên, chợ Tông ở làng Tống Vũ, chợ Bộ La ở làng Bộ La.

- Huyện Thụy Anh có 4: chợ Hộ ở làng Diêm Điền, chợ Bàng ở làng Tri Chỉ, chợ Hệ ở làng Ninh Cù, chợ Giành ở làng An Định.

- Huyện Đông Quan có 6: chợ Đọ ở làng Phù Lưu, chợ Gạch ở làng Bình Cách, chợ Kênh ở làng Đồng Kỷ, chợ Rù ở làng Kinh Hào, chợ Vàng ở làng Phương Xá, chợ Hồ ở làng Đông Hồ.

- Huyện Quỳnh Côi có một chợ lớn đó là chợ Huyện còn gọi là chợ Tứ Xã (gồm 4 làng: Lương Cụ, Quỳnh Ngọc, Bồ Trang, Mỹ Ngọc).

- Huyện Phụ Dực có 4: chợ Đồng Bằng ở làng Đào Động, chợ Tò ở làng Tô Đê, chợ Hạ ở làng Vạn Phú, chợ Lầy ở làng Dục Linh.

- Huyện Duyên Hà có 8: chợ Trại ở làng Tịnh Xuyên, chợ Bơn ở làng An Liêm, chợ Hậu ở làng Hậu Thượng, chợ Thá ở làng An Xá, chợ Mụa ở làng An La, chợ Nấp ở làng Hiến Nạp, chợ Đông ở làng Chấp Trung, chợ Vang ở làng Thượng Bái.

- Huyện Hưng Nhân có 3: chợ Mẽ làng Mỹ Đại gọi là chợ Huyện, chợ Hới ở làng Hải Triều, chợ Nga ở làng Thanh Nga.

So với trước năm 1954, hệ thống chợ làng ở Thái Bình hiện nay có một số thay đổi. Có chợ xưa là chợ lớn nay đã thu hẹp hoặc không họp. Có chợ xưa là chợ nhỏ nay thành chợ đầu mối trung tâm. Ngày họp chợ phiên của một số làng cũng có những thay đổi nhất định.

Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)