Thứ 7, 18/05/2024, 19:36[GMT+7]

Lóa Mặt Trời cấp mạnh nhất gây gián đoạn vô tuyến Trái Đất

Thứ 3, 04/07/2023 | 10:40:27
731 lượt xem
Vết đen Mặt Trời khổng lồ phóng ra lóa cấp X hôm 3/7 tấn công khí quyển, gây mất sóng vô tuyến ở các vùng thuộc Mỹ, Thái Bình Dương.

Lóa Mặt Trời phóng ra từ vết đen AR3354 hôm 3/7.

Lóa Mặt Trời bùng phát từ vết đen AR3354 rộng gấp 7 lần Trái Đất lúc 2h14 ngày 3/7 (giờ Hà Nội). Đài quan sát Động lực học Mặt Trời (SDO) thuộc NASA ghi nhận hiện tượng này dưới dạng một chớp sáng cực tím. Nó được xếp loại cấp X, cấp mạnh nhất của lóa Mặt Trời. Các cấp yếu hơn gồm M, C, B và yếu nhất là A, hơn kém nhau khoảng 10 lần về sức mạnh.

Theo Spaceweather, bức xạ từ lóa Mặt Trời làm ion hóa phần trên cùng của khí quyển Trái Đất, dẫn đến gián đoạn vô tuyến sóng ngắn trên các khu vực phía tây của Mỹ và Thái Bình Dương khoảng 30 phút.

Nhà vật lý Mặt Trời Keith Strong chia sẻ thước phim ấn tượng về lóa Mặt Trời trên mạng xã hội Twitter. "Vùng vết đen Mặt Trời AR3354 gần nhánh Tây Bắc vừa tạo ra lóa X1.07 (ở mức giữa lóa Mặt Trời mạnh thứ 10 và 14 cho đến nay, trong chu kỳ Mặt Trời hiện tại). Đây là lóa cấp X thứ 18 trong SC25 (chu kỳ Mặt Trời 25 và cũng là chu kỳ hiện tại) so với chỉ 14 lóa cấp X trong SC24", Strong viết. Ông cũng cho biết, tháng 6/2023 đánh dấu mức trung bình tháng cao nhất về số lượng vết đen Mặt Trời trong 21 năm qua.

Lóa Mặt Trời xuất hiện khi từ trường xung quanh vết đen trở nên rối rắm, đứt gãy, sau đó kết nối lại. Thước phim về lóa Mặt Trời hôm 3/7 cho thấy, có vẻ nó được một chùm plasma hỗ trợ, khiến vật chất bị từ hóa rơi xuống vết đen AR3354.

Những lóa Mặt Trời kéo dài như lần này đôi khi đi kèm với hiện tượng phun trào nhật hoa (CME), trong đó từ trường giải phóng một lượng lớn vật chất sao ở dạng plasma phóng ra từ Mặt Trời. Dù lóa cấp X hôm 3/7 đủ lâu để kích hoạt CME, các đài quan sát Mặt Trời vẫn chưa thấy vụ phóng plasma đáng kể nào liên quan đến nó hoặc vết đen AR3354.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày