Thứ 6, 22/11/2024, 04:31[GMT+7]

Anh là quốc gia duy nhất trong Nhóm G7 vẫn chưa thoát khỏi lạm phát

Thứ 3, 18/07/2023 | 10:11:23
1,812 lượt xem
Lạm phát toàn phần trong tháng 5/2023 của nước Anh vẫn đứng ở mức 8,7%; lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá) tăng 7,1%, mức cao nhất trong 31 năm.

Đồng tiền mệnh giá 50 bảng Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hồi tháng 1/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cam kết sẽ hạ mức lạm phát xuống một nửa vào cuối năm nay trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào năm tới.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát tại nước này hiện vẫn cao, buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đánh giá lại các cơ chế dự báo lạm phát.

Áp lực lạm phát vẫn cao

Tại thời điểm đó, lạm phát giá tiêu dùng toàn phần ở mức 10,1%. Hầu hết các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ này sẽ giảm một nửa sau khi cú sốc giá năng lượng qua đi, khiến cam kết của ông Sunak đầy khả thi.

Tuy nhiên, lạm phát toàn phần trong tháng 5/2023 vẫn đứng ở mức 8,7%, không đổi so với tháng trước đó. Trong khi lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá - những mặt hàng có biến động lớn về giá) tăng 7,1%, mức cao nhất trong 31 năm.

Còn theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 4/7, Anh là quốc gia duy nhất trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) vẫn ghi nhận lạm phát tăng.

Theo OECD, lạm phát tháng 5/2023 tại Anh ở mức 7,9%, tăng nhẹ so với mức 7,8% trong tháng 4/2023. Trong khi đó, lạm phát tại các nước G7 giảm xuống 4,6%, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 và thấp hơn mức 5,4% trong tháng 4/2023.

Tăng trưởng tiền lương trung bình hàng năm (không gồm tiền thưởng) tại Anh cũng tăng từ 6,7% lên 7,2% trong giai đoạn từ tháng 2-4/2023, mức tăng nhanh nhất cho đến nay.

Thị trường lao động vẫn nóng hơn dự kiến khi số người mắc bệnh dài ngày tăng đột biến, là nguyên nhân giảm lực lượng lao động tại Anh.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế gần như đình trệ và nợ công, lần đầu tiên kể từ tháng 3/1961, vượt mức 100% GDP.

BoE đã đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm lên 5% trong tháng Sáu, làm gia tăng lo ngại trong nước về cuộc khủng hoảng lãi suất thế chấp, đồng thời đi ngược với xu hướng giảm hoặc ngừng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn khác.

Thách thức kép

Nhà kinh tế cấp cao tại tập đoàn Vanguard (Mỹ), Shaan Raithatha, cho biết, nước Anh đang chịu thách thức kép mà Mỹ và châu Âu phải đối mặt.

Xứ sở Sương mù chịu cú sốc thị trường lao động giống như Mỹ, đặc biệt số lượng lớn các ca bệnh dài hạn đã thực sự ảnh hưởng đến nguồn cung lao động.

London đồng thời chịu cú sốc năng lượng như châu Âu, song ở mức độ lớn hơn hầu hết các nước khác ở châu lục, do các nhà hoạch định chính sách nước này can thiệp quá chậm trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng và sau đó áp mức trần giá năng lượng cao hơn so với nhiều nước khác.

Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Panmure Gordon (Anh), Simon French, cho rằng các vấn đề của Anh chủ yếu bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. Ông chỉ ra rằng Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU) là một nguyên nhân khác.

Ông French cho biết số người trong độ tuổi lao động không làm việc đã tăng 4,5% kể từ Brexit, trong khi tỷ lệ này giảm ở tất cả các quốc gia G7 khác, trừ Mỹ, khiến nguồn cung của nền kinh tế giảm và lạm phát cơ bản tăng.

Thống đốc BoE Andrew Bailey cũng cho biết Anh là nước duy nhất có lực lượng lao động vẫn dưới mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, ông phủ nhận Brexit là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thắt chặt thị trường lao động và áp lực lạm phát dai dẳng. Thay vào đó, ông cho rằng việc ứng phó với đại dịch là một yếu tố.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BoE, Catherine Mann, cho rằng các thủ tục giấy tờ bổ sung sau Brexit gây thiệt hại cho các công ty nhỏ và làm tăng áp lực lạm phát.

"Căn bệnh" của nước Anh

Lạm phát tại Anh dự kiến vẫn sẽ giảm mạnh từ nay đến cuối năm, do mức trần giá năng lượng giảm 20% từ ngày 1/7 và do các đợt tăng lãi suất hiện tại ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm giảm nhu cầu và việc làm.

MPC hiện đặt mục tiêu lãi suất chỉ ở mức hơn 6% trong mùa Đông năm 2023 và sang năm sau.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia kinh tế quan tâm là uy tín của BoE khi Thống đốc Bailey gần đây đã phải nhận lỗi về dự báo lạm phát của MPC trong 18 tháng qua.

Ông French cho rằng 18 tháng hoặc 2 năm là đủ để công cụ lãi suất có tác dụng với nền kinh tế và giữ được niềm tin của thị trường và công chúng. Tuy nhiên, những dự báo gần đây của BoE lại không đủ sức hút như vậy.

Theo ông French chính sách tiền tệ của Anh, nền kinh tế chiếm 3% GDP toàn cầu, chịu tác động bởi giá thị trường, và dù ông Bailey muốn thừa nhận hay không, sự yếu kém về mặt chính sách tiền tệ trong nước, ở mức độ nào đó có thể ảnh hưởng tới tình hình kinh tế nội địa.

Ông French ví tình hình kinh tế hiện tại với những năm 1970 với kinh tế đình trệ và lạm phát cao, đồng thời lưu ý lạm phát tại Anh đã lên đến mức hai con số trong những năm 1990 và là quốc gia phát triển duy nhất có lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ông Thanos Papasavvas, nhà sáng lập công ty đầu tư ABP Invest (Anh), cũng chỉ ra sự nhạy cảm đặc biệt của Anh đối với lạm phát cao. Tuy nhiên, ông cho rằng, BoE lẽ ra phải sớm nhận ra điều này, nhấn mạnh việc đặt mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2-3% cách đây vài tháng là phi thực tế.

Thủ tướng Sunak ngày 4/7 thừa nhận nhiệm vụ của BoE giảm lạm phát xuống mức 2% là không đơn giản, với tỷ lệ cao những người vay thế chấp với lãi suất cố định, đồng nghĩa với việc tạm thời tránh được lãi suất vay tăng.

Theo số liệu của BoE, 95% các khoản vay thế chấp mua nhà năm 2022 có lãi suất cố định.

BoE đang đánh giá lại các cơ chế dự báo lạm phát của ngân hàng mặc dù vẫn nhận định lạm phát sẽ giảm nhanh trong năm nay, nhưng với tốc độ chậm hơn.

Ông French nhấn mạnh trong 22 năm qua, trước đại dịch và trong giai đoạn chuyển đổi Brexit năm 2020, BoE đã kiểm soát được lạm phát ở mức trung bình 2%, song ngân hàng đã đánh giá thấp tác động của Brexit đối với nguồn cung.

Ông nhận định sẽ có những xung đột về lạm phát giá lương thực cũng như các tác động thứ cấp khi quy định của EU về kiểm tra động, thực vật nhập khẩu được áp dụng vào cuối năm nay./.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày