Thứ 6, 03/01/2025, 02:53[GMT+7]

Thế giới chật vật trong nắng nóng

Thứ 4, 19/07/2023 | 09:44:37
2,136 lượt xem
Nhiều quốc gia trên thế giới, từ châu Á đến châu Âu và Mỹ, đang trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục ở thời điểm mùa hè mới chỉ bắt đầu ở Bắc Bán cầu. Đây là bằng chứng khốc liệt về những nguy cơ khí hậu ấm lên và nhiều nước đã đưa ra cảnh báo về tác động tiêu cực của nền nhiệt tăng đối với sức khỏe con người cũng như tính cấp bách của các hành động chống biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ ngoài trời tại thành phố Plano, bang Texas, ngày 27/6, lên tới 3 chữ số (theo độ F). (Ảnh: Tân Hoa xã/Shutterstock)

Nhiều nước châu Á đang phải chống chọi với cái nóng thiêu đốt khi nhiệt độ tăng cao. Ngày 16/7 vừa qua, một số nơi ở Nhật Bản đã chứng kiến nhiệt độ cao nhất trong hơn 40 năm qua, buộc chính phủ nước này phải đưa ra cảnh báo nguy cơ bị say nắng. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, thành phố Kiryu ở tỉnh Gunma, phía bắc thủ đô Tokyo, có nhiệt độ lên tới 39,70C, trong khi thành phố vệ tinh Hachioji của tây Tokyo đạt 38,90C.

Tại miền bắc Ấn Độ, sau những ngày nóng như thiêu đốt là những trận mưa xối xả gây lũ lụt và sạt lở đất khiến ít nhất 90 người chết. Lũ lụt lớn và sạt lở đất thường xảy ra trong các đợt gió mùa ở Ấn Độ, nhưng các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai. Tương tự tại Hàn Quốc, mưa lớn nhiều ngày qua gây lở đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 37 người và chín người mất tích.

Trung Quốc kích hoạt cảnh báo ở mức vàng khi các đợt sóng nhiệt ảnh hưởng nhiều vùng trên cả nước. Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc, nhiệt độ ở các vùng Tân Cương, Hà Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông có thể sẽ tăng lên khoảng 37-390C. Nhiệt độ cao nhất ở một số vùng tại Tân Cương và Phúc Kiến có thể vượt 400C. Cơ quan trên cũng khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi chiều và những người làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao nhiều giờ dưới ánh mặt trời cần cẩn trọng. Tại Iraq, nhiệt độ ở thủ đô Baghdad lên tới gần 500C và hạn hán khiến mực nước sông Tigris đang dần cạn kiệt.

Nhiều quốc gia châu Âu cũng đang trải qua điều kiện thời tiết nóng khắc nghiệt. Bộ Y tế Italia đã ban bố cảnh báo đỏ về nhiệt độ đối với 16 thành phố, trong đó có Rome, Bologna và Florence. Cơ quan Thời tiết Italia cảnh báo, nước này chuẩn bị đối mặt đợt nắng nóng gay gắt nhất của mùa hè và cũng là một trong những đợt nắng nóng dữ dội nhất từ trước đến nay. Theo đó, nhiệt độ dự báo ở Rome có thể tăng lên 430C trong ngày 18/7, phá vỡ kỷ lục 40,50C được thiết lập tháng 8/2007. Các đảo Sicily và Sardinia có thể chứng kiến nhiệt độ lên đến 480C, mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận ở châu Âu. Tại Hy Lạp, thành cổ Acropolis ở thủ đô Athens, một trong những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu của quốc gia Địa Trung Hải, đã phải đóng cửa vào những giờ nắng nóng gay gắt nhất những ngày cuối tuần qua.

Ở Pháp, tình trạng nắng nóng và khô hạn đang đe dọa ngành nông nghiệp. Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Pháp, tháng 6 vừa qua là tháng nóng kỷ lục thứ hai ở nước này. Nhà chức trách Pháp ban bố cảnh báo nắng nóng tại một số khu vực kể từ ngày 18/7. Cơ quan Khí tượng Pháp cảnh báo một đợt nắng nóng tiếp theo từ ngày 17 đến 19/7 mang lại nhiệt độ trên 400C cho quần đảo Canary và khu vực Andalusia ở miền nam.

Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) dự báo đợt nắng nóng xảy ra tại khu vực trải dài từ bang California đến bang Texas sẽ lên đến đỉnh điểm cuối tuần này. Nhiều khu vực ở miền tây nước Mỹ sẽ trải qua nền nhiệt cao kỷ lục, trong bối cảnh một đợt nắng nóng cực độ tiếp tục bao trùm miền tây và miền nam nước này, ảnh hưởng hàng chục triệu người dân ở đây. Tại bang California, khu vực Thung lũng Chết - một trong những nơi nóng nhất trên Trái đất, có thể chứng kiến mức nhiệt cao kỷ lục mới lên đến 540C. Trong khi đó, thành phố Phoenix - thủ phủ của bang Arizona, ghi nhận 16 ngày liên tiếp nhiệt độ trên 430C. Nhà chức trách Mỹ đã ban bố cảnh báo về nắng nóng, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban ngày để tránh sốc nhiệt và mất nước. Do nắng nóng khắc nghiệt, khu vực phía nam bang California đã bùng phát nhiều đám cháy rừng.

Các nhà khoa học cho rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các đợt nắng nóng khắc nghiệt xảy ra với tần suất thường xuyên hơn và cường độ mạnh hơn. Phân tích nhiệt độ toàn cầu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, tháng 6/2023 là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Các đợt nắng nóng hiện nay cho thấy rõ tính cấp bách của việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày