Thứ 7, 30/11/2024, 12:51[GMT+7]

Đốt rác phát điện - công nghệ nhiều lợi ích

Thứ 7, 27/05/2023 | 08:47:14
5,202 lượt xem
Giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt phát sinh là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Trong đó, giải pháp về công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng. Ngày 11 tháng 4 năm 2023, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Văn bản số 1091/UBND-NNTNMT về việc yêu cầu về công nghệ bảo đảm môi trường trong đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Để hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nhà máy điện rác ở Cần Thơ đang phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường và phát điện. (Ảnh minh họa).

Phóng viên: Xin ông cho biết, dưới góc độ chuyên môn ông thấy công nghệ xử lý rác thải nào phù hợp với Thái Bình hiện nay?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Qua khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, nhận thấy công nghệ đốt rác phát điện là phù hợp với xu thế yêu cầu hiện nay và phù hợp với tỉnh Thái Bình, với các ưu điểm sau:

- Rác thải đầu vào không phải phân loại.

- Diện tích chiếm đất của dự án thấp hơn nhiều lần so với các công nghệ khác như chôn lấp, sản xuất phân vi sinh...

- Quy trình đốt rác chủ yếu có mức tự động hóa cao, hạn chế tối đa sử dụng lao động thủ công; xử lý triệt để tình trạng mùi hôi; tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh để phát điện.

- Các nguồn ô nhiễm thứ cấp phát sinh (nước thải, khí thải, xỉ lò, tro bay) được kiểm soát, xử lý đạt quy chuẩn môi trường và được giám sát chặt chẽ.

Phóng viên: Ông có thể cho biết rõ hơn quy trình hoạt động của công nghệ đốt rác phát điện?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Rác thải đầu vào được đưa đến hầm chứa rác (lưu trữ tối thiểu 7 ngày để giảm độ ẩm và phân hủy bớt chất hữu cơ. Dưới lòng hầm có hệ thống thu gom nước rỉ rác đưa đến trạm xử lý nước thải, nước thải sau khi xử lý có thể sử dụng tuần hoàn làm nước làm mát. Trong hầm có hệ thống hút khí liên tục để hút khí vào buồng đốt, tạo áp lực âm tại hầm chứa rác, do đó giảm thiểu mùi tại hầm chứa rác và tận dụng được khí Mê-tan sinh ra tại hầm chứa rác để làm khí đốt tại buồng đốt). Rác thải từ hầm chứa rác sau khi ủ được đưa vào buồng đốt (hầm chứa rác liền cạnh buồng đốt). Tại đây sử dụng lò ghi đốt tịnh tiến (buồng đốt chia làm 3 khu vực gồm: khu vực sấy để tiếp nhận chất thải, làm khô và đốt một phần; khu vực đốt chính chất thải; cuối cùng là khu vực đốt kiệt).

Nhiệt phát sinh trong quá trình đốt được sử dụng làm nóng nồi hơi để quay tua-bin máy phát điện.

Xỉ đáy lò được tận dụng làm vật liệu san lấp hoặc vật liệu không nung.

Khí thải (khói lò) được xử lý qua các hệ thống xử lý gồm các công đoạn hấp thụ các chất độc hại, hạ nhiệt, thu gom, xử lý thu gom bụi (tro bay) trước khi xả ra môi trường qua ống khói; tro bay trộn với phụ gia làm gạch, vật liệu chôn lấp và được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Khí thải, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường, nước thải sau xử lý được tuần hoàn, sử dụng trong nhà máy.

Như vậy, công nghệ đốt rác phát điện có ưu điểm là tiêu hủy được 80 - 90% thể tích và khối lượng rác thải, xử lý triệt để tình trạng mùi hôi và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, tận dụng nguồn nhiệt lượng phát sinh để phát điện, tiết kiệm diện tích đất sử dụng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm môi trường, phát triển bền vững.

Phóng viên: Dây chuyền công nghệ, thiết bị và việc kiểm soát chất lượng nước thải, khí thải phát sinh của nhà máy phải đáp ứng những yêu cầu gì, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Ngoạn: Về dây chuyền công nghệ, thiết bị của nhà máy có mức tự động hóa cao, hạn chế tối đa sử dụng lao động thủ công; công nghệ đã được ứng dụng thành công được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ; dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị bảo đảm mới 100%; tuổi thọ, độ bền của thiết bị, máy móc chính đáp ứng thời gian hoạt động của dự án và tốt hơn, hiện đại hơn các nhà máy xử lý đã đầu tư ở Việt Nam.

Đối với nước thải, khí thải phát sinh được xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quy định trước khi thải ra môi trường; nhà máy phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục, có camera theo dõi việc vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải, có màn hình hiển thị kết quả quan trắc tại cổng nhà máy cho người dân theo dõi, giám sát, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

Mọi người có thể xem kỹ hơn nhà máy đốt rác phát điện: của Đan Mạch tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=pOqocj2h6EM; của Singapore tại địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=r-q5V6LDxEY

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiện nay, các nước phát triển như Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đang sử dụng phương pháp đốt rác nhưng tận dụng nhiệt sinh ra trong quá trình đốt rác để biến nó thành năng lượng phát điện. Qua đó biến rác thành tài nguyên, biến rác thành nguyên liệu cho một nhà máy phát điện. Sau khi đốt rác, lượng tro xỉ còn rất ít nên đã giảm được lượng rác đáng kể. Công nghệ đốt rác phát điện có thể vô hại hóa rác thải do rác thải được đốt ở nhiệt độ cao, có thể đốt hầu hết các chất, bao gồm cả một số chất có hại.
Đốt rác phát điện phù hợp với các khu vực đông dân, lượng rác thải phát sinh lớn ở các đô thị, khu vực đồng bằng có mật độ dân số cao.

Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Kim Chi
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam


Đức Dũng
(thực hiện)



  • Từ khóa