Thứ 5, 02/05/2024, 09:54[GMT+7]

VinIF trao gần 800 tỷ đồng phát triển khoa học công nghệ

Thứ 6, 28/07/2023 | 17:55:44
1,362 lượt xem
Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup đã trao 800 tỷ đồng cho hơn 100 dự án khoa học, cấp 1.200 học bổng, hỗ trợ 2.500 nhà khoa học, trong 5 năm.

Phó giáo sư Phan Thị Hà Dương - Giám đốc điều hành VinIF tóm tắt hoạt động của quỹ trong 5 năm. Ảnh: VinIF

Thông tin được đại diện tổ chức chia sẻ trong hội thảo "Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup - Dấu ấn 5 năm hoạt động", tại Hà Nội, ngày 26 và 27/7. Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF) của Tập đoàn Vingroup thành lập vào tháng 8/2018, là quỹ tư nhân duy nhất tại Việt Nam có ngân sách hàng nghìn tỷ đồng, cam kết tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Điểm lại các hoạt động nổi bật trong 5 năm, đại diện quỹ cho biết đã tổ chức 7 chương trình, hỗ trợ gần 800 tỷ đồng cho 2.500 nhà khoa học cả nước. Nổi bật là các chương trình tài trợ học bổng thạc sĩ, tiến sĩ và hợp tác đào tạo thạc sĩ liên kết. Để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, VinIF mở chương trình học bổng sau tiến sĩ để các nhà khoa học chuyên nghiệp người Việt trong và ngoài nước có thể tập trung với những công trình chất lượng cao tại các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu.

Quỹ còn tập trung nguồn lực cho hoạt động R&D, thông qua tài trợ cho các dự án khoa học công nghệ tiệm cận trình độ khu vực và thế giới. Chỉ riêng chương trình này, trong 5 năm, hơn 500 công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí quốc tế, 13 sản phẩm được cấp bằng sáng chế quốc tế, 48 sáng chế trong nước, gần 20 dự án đã và đang chuyển giao công nghệ, thành lập các doanh nghiệp start-up, spin-off, nhiều trong số đó có doanh thu triệu USD.

VinIF cũng đẩy mạnh tài trợ các hội thảo khoa học quốc tế, các bài giảng đại chúng do nhiều giáo sư hàng đầu thuyết giảng.

Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học Quỹ VinIF phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VinIF

Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc khoa học Quỹ VinIF phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: VinIF

Giáo sư Vũ Hà Văn - Giám đốc Khoa học VinIF cho biết quỹ được thành lập với mong muốn góp phần xây dựng văn hóa nghiên cứu sáng tạo, chuẩn mực quốc tế, đồng thời tạo ra thế hệ các nhà khoa học trẻ sáng tạo, có trách nhiệm với xã hội. "5 năm qua, các chương trình tài trợ của chúng tôi đã thu hút được sự tin tưởng từ các nhà khoa học, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, cao hơn nữa là sự theo dõi sát sao từ các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Chúng tôi hy vọng đây là tiền đề để tạo ra những bước ngoặt lớn hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam", ông Văn nói trong hội thảo vừa tổ chức.

Với hàng loạt chương trình, VinIF tạo ra nhiều tác động. Quỹ này bên cạnh giúp các nhà khoa học trong phát triển nghiên cứu, còn tạo ra những sự thay đổi từ các chính sách quản lý, tài trợ của các cơ quan hoạch định và cơ sở đào tạo.

Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong các tổ chức nhận được nhiều hỗ trợ nhất từ quỹ. Giáo sư Lê Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đơn vị nhận tài trợ 10 dự án, tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng trong vòng ba năm qua. "Nhờ VinIF chúng tôi mạnh dạn ban hành quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sĩ với mức học bổng từ 100 triệu đến 120 triệu đồng mỗi năm", ông Quân chia sẻ.

Đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng việc quỹ tài trợ cho các dự án góp phần làm thay đổi cơ chế, cách xét chọn, đánh giá các đề tài theo hướng có chất lượng, tinh gọn. "Các tác động tích cực này ảnh hưởng nhiều tới cộng đồng khoa học, các cơ quan quản lý trong nước", Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội nhận định.

Các diễn giả chia sẻ tại phần tọa đàm về thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Ảnh: VinIF

Các diễn giả chia sẻ tại phần tọa đàm về thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ. Ảnh: VinIF

VinIF thông qua chương trình hợp tác đào tạo thạc sĩ liên kết ngành khoa học dữ liệu, cũng góp tác động để Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định mở hai ngành mới là ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại 6 cơ sở đào tạo. Phó giáo sư Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, một trong 6 cơ sở đào tạo nằm trong chương trình, nhận định trước năm 2022, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chưa có mã trong danh mục của Bộ và chỉ là chuyên ngành trong các ngành lớn hơn. Để mở ngành, một trong các yêu cầu bắt buộc là phải có sự phối hợp và hợp tác với doanh nghiệp.

"Sự đồng hành của VinIF giúp chúng tôi mở được ngành đào tạo Thạc sĩ Khoa học dữ liệu ứng dụng, đồng thời thu hút được nhiều sinh viên cho các chương trình cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành khác", ông Mỹ khẳng định.

Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam - Nguyễn Quân, cho rằng vai trò của các quỹ như "bà đỡ", giúp các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. "Các nước phát triển trên thế giới luôn cấp phép cho các dự án nghiên cứu khoa học theo cơ chế này và thành công", ông Quân nói và đánh giá Quỹ VinIF đang làm theo cách này đạt được nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật, sản phẩm phong phú và đào tạo được nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Ông hy vọng Quỹ sẽ trở thành hình mẫu cho các đơn vị công lập, trường đại học để có thể phát triển các quỹ trong tương lai.

Phó Giáo sư Phan Thị Hà Dương - Giám đốc Điều hành quỹ cho biết đơn vị sẽ tiếp tục theo đuổi các giá trị cốt lõi là cống hiến, công bằng, sáng tạo, thực chất và kết nối. Bà Dương cho rằng tất cả các chương trình do VinIF mở ra đều mang tính sáng tạo và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, hỗ trợ kịp thời các nhà nghiên cứu có được sự chủ động trong phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam.

Theo vnexpress.net

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày