Thứ 7, 12/10/2024, 07:18[GMT+7]

400 học sinh thi bắn tên lửa nước

Thứ 3, 15/08/2023 | 11:03:37
2,725 lượt xem
Hơn 400 học sinh THCS, THPT tự chế tạo và thi tài bắn tên lửa nước, trải nghiệm ứng dụng kiến thức vật lý vào thực tế.

Sân chơi bắn tên lửa nước do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP HCM tổ chức thường niên trong hơn 10 năm qua. Cuộc thi giúp học sinh vận dụng kiến thức khoa học cơ bản và sáng tạo sản phẩm thông qua việc tự thiết kế tên lửa nước từ vật liệu tái chế. Cuộc thi năm nay có 135 đội thi với hơn 400 học sinh đến từ các trường học, tổ chức đoàn địa phương thành phố tham gia.

Các đội thi trải qua ba vòng chơi gồm: bắn tên lửa tầm xa, bắn tầm cao bung dù và bắn đáp trúng mục tiêu. 20 đội có điểm cao nhất bước vào vòng chung kết để tham gia phần chơi bắn tên lửa trúng bia, chiều 13/8.

Tên lửa nước (thủy hỏa tiễn) là mô hình sử dụng nước làm lực đẩy. Bộ phận chính là chai nước dung tích 1,5 lít. Khi tạo một áp suất đủ lớn trong chai sẽ tạo lực đẩy hướng xuống mặt đất để phát sinh thêm phản lực hướng lên trên giúp tên lửa nước bay lên. Lực này được hiểu là phản lực, áp dụng theo nguyên lý định luật ba Newton.

Theo Nguyễn Nhật Khánh Tân, học sinh lớp 9 THCS Đặng Thúc Vịnh (Hóc Môn), thiết kế tên lửa cần chú ý việc chia tỷ lệ cánh trên thân có kích thước đồng đều để khi bay không bị lạng. Việc bơm áp suất được căn chỉnh phù hợp theo từng nội dung thi để đạt điểm cao. Ngoài ra dàn phóng tên lửa phải được dán keo kín, không bị xì hơi ra bên ngoài.

Nhiên liệu nước làm lực đẩy cho tên lửa được các đội bổ sung sau mỗi phần thi.

Tên lửa nước được phóng ra khỏi bệ phải di chuyển theo một đường thẳng. Trong các nội dung thi một thành viên nhóm giữ vai trò cầm chốt ở bệ phóng. Khi đạt áp suất nhất định được tính toán trước, chốt được tháo để tên lửa phóng đi. Hai thành viên con lại thay nhau bơm tạo áp suất, tạo phản lực cho tên lửa.

Đồng hồ hiển thị áp suất được trang bị để các nhóm thi sử dụng xem mức chỉ số phù hợp cho việc phóng tên lửa. Chỉ số áp suất đo bằng hai đơn vị kg/cm2 và psi.

Phần thi bắn tên lửa tầm cao, bung dù. Khi lên một độ cao nhất định, tên lửa sẽ bung dù ra khỏi phần đầu và hạ xuống đất.

Dù được hạ với thời gian càng lâu sẽ càng được tính điểm càng cao.

Trọng tài ghi nhận thành tích các nhóm dự thi thông qua các vạch kẻ trên sân.

Các nhóm kiểm tra, khắc phục lỗi dàn phóng và tên lửa chuẩn bị cho phần thi tiếp theo. Theo thầy Hồ Hữu Ái, tổng phụ trách đội trường THCS Tô Ký (Hóc Môn), việc chế tạo tên lửa nước giúp học sinh rèn luyện khả năng tái chế các vật liệu bỏ đi như chai nhựa, ống nước... Để bắn tên lửa chính xác thầy Ái khuyên học sinh cần luyện tập chỉnh góc bắn. Ngoài ra, lượng nước trong tên lửa cần được tính toán để có độ nặng phù hợp và có thể tăng áp suất giúp tên lửa vượt qua sức cản của gió để bay đúng quỹ đạo.

Học sinh kiểm tra góc bắn bằng ứng dụng đo góc trên điện thoại ở phần thi chung kết bắn tên lửa trúng bia.

Phần thi bắn tên lửa trúng bia tại vòng chung kết được cho là khó nhất khi các đội phải đưa tên lửa vào khu vực bia ở các chiều dài 20 m hoặc 40 m, khoảng cách càng xa điểm càng cao. Tấm bia có dạng hình vuông kích thước 2 x 2 m, bên trong được đan dây màu đỏ. Tên lửa vào khu vực dây đỏ được chấm điểm cao, ra ngoài bị trừ điểm.

Việc thiết kế tên lửa được chủ yếu từ vật liệu tái chế, nên chi phí cho việc chế tạo không quá tốn kém. Theo các nhóm học sinh, nếu đầu tư mua máy bơm có gắn đồng hồ áp suất khoảng 150.000 -200.000 đồng, còn các vật liệu khác như thân tên lửa, ống nhựa làm dàn phóng… có thể tái sử dụng. "Em đã tham gia cuộc thi lần 2 nhưng rất vui và háo hức. Tham gia nhiều có kinh nghiệm hơn để chia sẻ với các bạn mới", Nguyễn Nhật Khánh Tân nói.

Theo vnexpress.net