Lạm phát vẫn đeo bám kinh tế Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản cuối tuần qua công bố số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát chính của nền kinh tế - đã tăng 3,1% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước.
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản, trong tháng trước, nếu không tính các mặt hàng năng lượng trong rổ hàng hóa thì mức tăng CPI thực tế sẽ là 4,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với tháng 6.
Nguyên nhân lạm phát tiếp tục leo thang là do giá thực phẩm và hàng tiêu dùng lâu bền lần lượt tăng 9,2% và 6%, giá địa điểm lưu trú tăng 15,1% trong mùa du lịch mùa hè.
Các nhà phân tích nhận định, lạm phát cao kéo dài đang bào mòn kinh tế của Đất nước mặt trời mọc và gây ra các thách thức tài chính lớn. Phân tích của hãng tin Kyodo hôm 19/8 cho thấy chi tiêu của Nhật Bản để hỗ trợ nền kinh tế giảm những cú sốc của đại dịch Covid-19 và ứng phó lạm phát dự kiến tổng cộng khoảng 68.500 tỷ yên (471 tỷ USD) trong bốn năm tính đến tài khóa 2023.
Do phần lớn nguồn tiền cho khoản chi nêu trên là từ việc phát hành nợ, nên mục tiêu “khôi phục tài khóa” của chính phủ đang bị lùi lại. Trong khi đó, nhiệm vụ cấp bách đặt ra với Chính phủ Nhật Bản hiện nay là thực hiện cải cách chi tiêu. Khoản chi khổng lồ nêu trên cũng đang tạo ra những vấn đề không nhỏ về tài chính với Nhật Bản.
Mới đây, các thành viên khu vực tư nhân của Hội đồng Kinh tế và chính sách tài khóa Nhật Bản đã trình dữ liệu về cán cân cơ bản cho thấy “sức khỏe” tài chính của đất nước đang xấu đi.
Theo đó, tỷ lệ phần trăm cán cân cơ bản tính trên GDP giảm 1,7-5,2 điểm phần trăm trong giai đoạn bốn năm nêu trên, so với kịch bản không có các chương trình chi tiêu bổ sung 68.500 tỷ yên kể trên. Gia tăng chi tiêu đã khiến nợ công của Nhật Bản dự kiến lên tới 1.100 tỷ yên trong tài khóa 2023, gần gấp đôi quy mô nền kinh tế.
Cùng với thách thức lạm phát, kinh tế Nhật còn đối mặt với nhiều khó khăn khác khi xuất khẩu yếu và thu nhập của người lao động tiếp tục giảm. Bộ Tài chính Nhật Bản hôm 17/8 cho biết, xuất khẩu của nước này trong tháng 7 vừa qua đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong hơn hai năm.
Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm 13,5% xuống 8.803 tỷ yên, dẫn đến thâm hụt thương mại tháng 7 của Nhật Bản là 78,7 tỷ yên. Lĩnh vực xuất nhập khẩu của Nhật Bản ảm đạm do nền kinh tế toàn cầu đang giảm tốc, trong đó tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - đối tác thương mại chính của Nhật Bản cũng đang khó khăn.
Kinh tế phục hồi chậm và lạm phát cao đang gây ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến đời sống của người dân Nhật Bản trong bối cảnh tiền lương thực tế tiếp tục giảm.
Bộ Y tế, Lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản vừa công bố báo cáo cho biết, tiền lương thực tế của người lao động trong tháng 6/2023 đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tháng giảm thứ 15 liên tiếp.
Trước đó, trong tháng 4/2023, tiền lương thực tế của lao động Nhật Bản đã giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận tháng giảm thứ 13 liên tiếp. Thủ tướng Fumio Kishida mới đây đã lên tiếng kêu gọi các công ty cần tăng lương nhiều hơn nữa.
Giới phân tích nhận định, lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản đã đạt mức cao nhất trong 41 năm là 4,2% vào tháng 1/2023 khi các doanh nghiệp chuyển chi phí nguyên liệu thô, đóng gói và vận chuyển vào giá thành sản phẩm và dịch vụ. Bên cạnh đó, đồng yên yếu hơn cũng đã đẩy chi phí nhập khẩu tăng cao, làm tăng giá cả tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nguy cơ lạm phát còn tiếp tục đeo bám và cản bước phục hồi kinh tế Nhật Bản thời gian tới. Chuyên gia Daisuke Iijima từ Teikoku Databank dự báo lạm phát tăng vì giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới và chi phí năng lượng có thể tăng lên khi các khoản trợ cấp của chính phủ sẽ chấm dứt vào tháng 9 tới.
Tình trạng lạm phát vẫn cao ở Nhật Bản đang trái với xu hướng giá cả hạ nhiệt chung ở tất cả các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và đây là một thách thức lớn với chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida trong điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm nay.
Một khi lạm phát cao, “căn bệnh” này sẽ “trói tay” chính phủ trong việc triển khai các biện pháp kích cầu tăng trưởng, phục hồi kinh tế và gây ra nhiều khó khăn hơn trong việc bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam