Thứ 3, 26/11/2024, 11:18[GMT+7]

Hôm nay Trăng Xanh đạt mức cực đại

Thứ 5, 31/08/2023 | 11:36:18
970 lượt xem
Người yêu thiên văn sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng siêu trăng, xuất hiện ngày 30 và đạt cực đại đêm 31/8, với Mặt Trăng ở trạng thái lớn và sáng nhất năm 2023.

Ảnh chụp trăng tròn lúc 18h10 ngày 30/8 ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tháng 8 được xem là một "bữa tiệc" thiên văn khi có 2 lần siêu trăng xuất hiện trên bầu trời. Trăng Xanh, lần trăng tròn thứ hai trong tháng 8, chỉ cách Trái Đất 357.344 km. "Tại Việt Nam, siêu trăng có thể trông to hơn và sáng hơn khoảng 7% so với Mặt Trăng tròn thông thường", theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA).

Siêu trăng diễn ra lúc 1h35 rạng sáng ngày 31/8 (tức 8h35, giờ Hà Nội). Đây không phải là thời gian thuận lợi để ngắm nhìn siêu trăng, do vẫn còn ánh sáng Mặt Trời. Tuy nhiên, người dân ở Việt Nam vẫn có thể chiêm ngưỡng Mặt Trăng ở trạng thái gần như tròn nhất. Ông Sơn lý giải, sự biến đổi pha của Mặt Trăng là liên tục bởi nó không "nhảy" thành bước trên quỹ đạo và dịch chuyển liên tục, vì thế trăng tròn là một điểm chứ không phải một ngày. Bởi vậy tối 30 và tối 31/8, Mặt Trăng về cơ bản là tròn như nhau đối với người quan sát tại Việt Nam.

Lần trăng tròn này được gọi là siêu trăng (supermoon), vì trăng tròn vào đúng thời điểm nó ở rất gần cận địa (điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó). Vào những đêm như vậy, chúng ta thấy Mặt Trăng sẽ lớn hơn một chút và sáng hơn thông thường.

Ảnh chụp Mặt Trăng gần tròn. Ảnh: Đặng Vũ Tuấn Sơn.

Ảnh chụp Mặt Trăng gần tròn hôm 30/8. 

Quan sát sự kiện này hoàn toàn như đối với trăng tròn thông thường, tức là chỉ cần trời ít mây, đủ để nhìn thấy Mặt Trăng. Người quan sát cũng không cần chuẩn bị bất cứ dụng cụ bảo vệ mắt nào khi quan sát. Ông cho biết thêm, sẽ không tạo sự khác biệt quá rõ rệt nếu điều kiện quan sát không thuận lợi (khi trời có mây hoặc bầu trời quá ô nhiễm).

Theo quan niệm văn hóa của một số quốc gia phương Tây, lần Trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng được gọi là Trăng Xanh (Blue Moon). Việc xuất hiện hai lần trăng tròn liên tiếp trong cùng một tháng, ông Sơn nhận định "không quá hiếm". Theo chu kỳ tuần Trăng (khoảng thời gian giữa hai lần trăng tròn liên tiếp) là 29,53 ngày, trong khi tháng Dương lịch thường có 30 hoặc 31 ngày, khiến cho hai lần trăng tròn có thể rơi vào cả đầu và cuối tháng Dương lịch.

Ông nhấn mạnh thực tế Trăng Xanh chỉ là tên gọi mang tính văn hóa, Mặt Trăng không bao giờ có màu xanh mà gọi là Trăng Xanh của tháng. Cứ trung bình hơn một năm thì có một lần Trăng Xanh theo cách tính này. Tuy nhiên, để có 2 lần Trăng Xanh trong cùng một năm lại khá hiếm. Lần gần nhất Trăng Xanh xuất hiện trong cùng một năm là vào tháng 1 và tháng 3/2018 và lần tiếp theo sẽ là tháng 1 và tháng 3/2037.

Siêu trăng 2023 diễn ra 4 đợt liên tiếp vào các tháng 7,8 và 9. Vào đợt siêu trăng cuối cùng của năm 2023 hôm 28/9, Mặt Trăng sẽ bay cách Trái Đất 361.552 km. Năm 2024 chỉ có hai đợt siêu trăng, lần lượt vào các ngày 18/9 và 18/10.

Theo vnexpress.net