Thứ 6, 22/11/2024, 15:54[GMT+7]

Có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ 4, 06/09/2023 | 11:05:36
1,700 lượt xem
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ rõ, tại một số nơi có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế; tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 6/9, tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo về tình hình tổ chức triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Về công tác triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, ngay sau Kỳ họp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ rà soát các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua; xác định nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp rà soát, gửi thông báo đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung luật, pháp lệnh, nghị quyết giao cho địa phương quy định chi tiết để kịp thời xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết còn một số hạn chế, bất cập nhất định.

Một số cơ quan chủ trì chưa chủ động, chưa trù liệu hết các yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng; chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế, các chuyên gia trong việc xây dựng, ban hành văn bản.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: DUY LINH).

Nhiều văn bản là nợ từ các kỳ báo cáo trước, có nhiều nội dung phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của nhiều cấp có thẩm quyền. Một số trường hợp khoảng thời gian từ lúc luật, nghị quyết được thông qua đến thời điểm có hiệu lực rất ngắn, không bảo đảm thời gian cần thiết để xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết.

Phó Thủ tướng cho biết, có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế tại một số nơi.

Việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản tại một số cơ quan chưa đầy đủ, chưa đúng theo quy định; lãnh đạo một số cơ quan chưa quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Tính chủ động đề xuất, ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới, xử lý các bất cập chưa kịp thời, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác xây dựng pháp luật.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định “chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao”.

Chú trọng lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp. 


Các bộ, ngành thường xuyên, chủ động rà soát, đánh giá các quy định pháp luật, các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực quản lý; chủ động lập đề nghị xây dựng và tổ chức soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Chú trọng lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường truyền thông chính sách, phản biện xã hội đối với các nội dung có tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Để tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cơ quan chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp ủy, tổ chức Đảng về những chính sách quan trọng, định hướng lớn.

Đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng cá nhân, chú trọng tổng kết pháp luật, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý, thẩm định; tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày