Chủ nhật, 28/04/2024, 14:11[GMT+7]

Tham vọng về mục tiêu khí hậu của EU

Thứ 6, 08/09/2023 | 06:44:23
1,398 lượt xem
Châu Âu đang phải chứng kiến vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất mùa hè năm nay ở vùng Evros, gần thành phố cảng Alexandroupoli của Hy Lạp.

Khói bốc lên từ đám cháy rừng trên đảo Rhodes của Hy Lạp ngày 22/7/2023. (Ảnh: Reuters).

Nắng nóng dữ dội là nguyên nhân khiến cháy rừng bùng phát tại nhiều nước, buộc giới chức châu Âu phải huy động mọi nguồn lực để ứng phó. Liên minh châu Âu (EU) khẳng định không từ bỏ tham vọng trong các mục tiêu khí hậu.

Tiếng kêu cứu của rừng xanh

EU đã phải huy động gần một nửa số máy bay dập lửa sẵn có để hỗ trợ Hy Lạp khống chế đám cháy rừng lớn ở Evros. 

Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của EU, trong 11 ngày qua, đám cháy đã thiêu rụi ít nhất 808,7 km2 rừng, phần diện tích lớn hơn cả thành phố New York (Mỹ). 

Giới chức EU đánh giá, đây là vụ cháy rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở các nước EU. 

Kể từ khi bùng phát ngày 19/8, cháy rừng nhanh chóng lan nhanh ra khắp vùng Evros, nhất là trong điều kiện gió mạnh và nắng nóng. 

Lửa đã thiêu rụi một phần khu rừng Dadia, một trong số khu bảo tồn loài chim săn mồi lớn ở châu Âu. Có ít nhất 20 người thiệt mạng, được cho là người nhập cư, bởi khu vực này là điểm đến đầu tiên của những người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong khi đó, một đám cháy rừng nghiêm trọng khác tiếp tục phá hủy rừng tại Mount Parnitha, gần thủ đô Athens của Hy Lạp. 

Hàng trăm vụ cháy rừng đã xảy ra tại Hy Lạp từ đầu năm đến nay, gây thiệt hại hơn 120.000 ha đất và buộc nhiều người dân phải rời bỏ nhà cửa. 

Tháng 7 vừa qua, khoảng 20.000 khách du lịch nước ngoài phải sơ tán khỏi đảo Rhodes do cháy rừng dữ dội, phá hủy nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng. 

Trong trận cháy rừng lần này, giới chức Hy Lạp đã ban bố lệnh sơ tán mới đối với người dân sinh sống tại làng Lefkimmi thuộc vùng Evros và làng Kassitera ở vùng Rhodopes lân cận. 

Tình hình thời tiết cực đoan cũng khiến đám cháy rừng lớn trên đảo Tenerife thuộc Quần đảo Canary của Tây Ban Nha diễn biến phức tạp. 

Kể từ đầu năm 2023, Tây Ban Nha xác nhận hơn 75.000 ha rừng bị thiêu rụi. Phần lớn lãnh thổ quốc gia Tây Nam Âu này phải chống chịu cái nóng khắc nghiệt, trong đó khu vực miền nam và đông bắc ghi nhận mức nhiệt tăng mạnh, có nơi vượt 400C. 

Hậu quả nghiêm trọng

Điều kiện thời tiết cực đoan đã được xác định là một trong những lý do chính khiến những đám cháy rừng xảy ra với quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn. Nhiều nước châu Âu phải căng mình đối phó với một mùa hè khắc nghiệt. 

Nắng nóng đang bao trùm phần lớn các địa phương Pháp. Cơ quan khí tượng (Meteo) của Pháp đã phát đi báo động đỏ - mức cảnh báo cao nhất, tại 4 vùng miền nam gồm Rhone, Drome, Ardeche và Haute-Loire. Nhiều khu vực hành chính của Pháp đưa ra cảnh báo bổ sung khi đợt nắng nóng kéo dài với mức độ nghiêm trọng hơn. 

Italia cũng đang trải qua một mùa hè đầy khó khăn khi một cơn bão nhiệt hoành hành ở miền trung và miền bắc nước này, với nhiệt độ cao kỷ lục được xác lập ngay cả ở vùng núi. 

Bảy tháng từ đầu năm 2023 (được cho là năm nóng thứ ba tại Italia kể từ năm 1800), đã ghi nhận hàng loạt hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, từ lũ lụt, hạn hán đến cháy rừng tàn khốc. 

Nghiên cứu mới của Hiệp hội nông dân quốc gia Italia (Coldiretti) cho thấy, trong đợt nắng nóng kỷ lục của năm nay, nhiệt độ cao hơn 0,670C so với mức trung bình trong lịch sử, kể từ khi các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu hơn 200 năm trước. 

Nghiên cứu của Coldiretti chỉ ra rằng, Italia đang đối mặt với quá trình nhiệt đới hóa, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường xuyên hơn, mưa trong thời gian ngắn, nhưng dữ dội và thời tiết nóng chuyển đổi nhanh chóng. 

Thời tiết nắng nóng vào tháng 7 góp phần dẫn đến các vụ cháy rừng, tàn phá các khu vực phía nam Italia, bao gồm cả Sicily và Sardinia. 

Ước tính, thiệt hại do nắng nóng và cháy rừng mà Italia phải gánh chịu trong năm nay sẽ cao hơn khoản thiệt hại 6 tỷ euro của năm 2022. 

Coldiretti cho biết, trong tám tháng vừa qua, cháy rừng đã phá hủy 60.000 ha đất tại Italia, nhiều hơn số đất đai bị phá hủy trong cả năm 2022. 

Hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sản lượng thu hoạch quả anh đào, mơ ở Italia đã giảm lần lượt khoảng 60% và 20%. Do nắng nóng, sản lượng mật ong của Italia cũng giảm 70% và sản lượng nho giảm 14%. Các sản phẩm nông nghiệp khác đều chịu ảnh hưởng. 

Không xa rời mục tiêu

Các nhà khoa học nhận định, cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, như sóng nhiệt, hạn hán, siêu bão và lũ lụt diễn ra thường xuyên và dữ dội hơn, trở thành “điều bình thường mới” đáng lo ngại tại khu vực Địa Trung Hải. 

Hiện tượng sóng nhiệt được cảnh báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn với cường độ mạnh hơn và tác động trên phạm vi rộng lớn hơn rất nhiều. Tình trạng này đòi hỏi các nước trong khu vực phải thích nghi và xem xét lại các biện pháp phòng chống thiên tai. 

Tình trạng nắng nóng gay gắt và hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống con người khiến EU càng phải củng cố quyết tâm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. 

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic cho biết, EU sẽ không hạ thấp tham vọng trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. 

Theo ông Sefcovic, việc châu Âu phải đối mặt với một mùa hè cháy rừng kỷ lục và những đợt nắng nóng và lũ lụt là những tín hiệu đáng lo ngại về những hậu quả sẽ xảy ra nếu các quốc gia không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu.

EU có chính sách chống biến đổi khí hậu tham vọng nhất thế giới. Brussels đã yêu cầu chính phủ các nước thành viên EU sử dụng tiền của khối này để hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương đầu tư chuyển đổi sang năng lượng sạch để giảm chi phí về năng lượng, cũng như tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe. 

EU đã xây dựng “quỹ chuyển đổi công bằng”, trị giá 17,5 tỷ euro, để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng do việc chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch. EU cũng đang xem xét bổ nhiệm một ủy viên mới trực tiếp quản lý các chính sách về biến đổi khí hậu của EU và là nhà đàm phán cho khối này tại các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 tới. 

Theo tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember Climate, trong nửa đầu năm nay, sản lượng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch của EU đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và các nguồn năng lượng xanh đang bù đắp khoảng trống. Sản lượng điện mặt trời của EU đã tăng 13% trong nửa đầu năm nay so với mức cùng kỳ năm 2022, trong khi năng lượng gió tăng 4,8%. 

Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm nay, mức tăng năng lượng sạch vẫn chưa đủ để bù đắp khoảng trống do giảm nhiên liệu hóa thạch. 

Các nhà khoa học cảnh báo, nhu cầu giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện nay vẫn chưa đạt mức bền vững và chưa như mong muốn. 

Với nhu cầu dự kiến tăng trong tương lai, việc chuyển đổi sang các nguồn thay thế cần nhanh hơn, mới có thể giúp châu Âu hiện thực hóa các cam kết đầy tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày